Điểm tin nổi bật về TT& TT tuần 7 năm 2011 (từ ngày 12-18/2/2011)

Thứ năm - 24/02/2011 00:12
(Mic.gov.vn) - Tuần qua, nhiều báo mạng đã tập trung đưa tin về việc Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thắt chặt quản lý game online, thông tin cảnh báo về việc sắp hết địa chỉ IPv4, bên cạnh đó là các thông tin sáng sủa về ngành như: việc không để xảy ra nghẽn mạng dịp tết, Viettel lọt vào top 20 nhà mạng lớn nhất thế giới, thêm hãng bảo mật vào Việt Nam...
Điểm tin nổi bật về TT& TT tuần 7 năm 2011 (từ ngày 12-18/2/2011)

Siết chặt quản lý game online trên toàn quốc từ 30/3

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet triển khai việc chặn các đại lý của mình cho truy nhập đến game online từ 22 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Bên cạnh các biện pháp được cho là tạm thời để quản lý game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực này. Trong kế hoạch của Bộ năm 2011 sẽ tiếp tục trình chính phủ Nghị định bổ sung sửa đổi Nghị định 97 về Internet để có thể đáp ứng nhu cầu quản lý Internet, game online trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, tất cả các giải pháp đã triển khai về quản lý đại lý Internet và game online cho đến hiện nay đã có giải pháp mang tính lâu dài, cũng có giải pháp mang tính tình thế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, vẫn cần phải xem xét tổng thể quản lý Internet trong thời gian tới làm sao đáp ứng yêu cầu vừa thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet để có thể đáp ứng nhu cầu quản lý nội dung thông tin trên Internet, chống thông tin độc hại, ảnh hưởng an toàn an ninh, đời sống, thuần phong mỹ tục và đặc biệt là bảo vệ giới trẻ.

Đừng cố kéo dài thời gian sử dụng IPv4

Trung tâm Internet Việt Nam dự tính châu Á sẽ hết địa chỉ IPv4 trong vòng 3-6 tháng tới và khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đừng cố kéo dài thời gian sử dụng IPv4. Ngày 3/2, Tổ chức quản lý địa chỉ IP toàn cầu (IANA) đã cấp phát 5 khối địa chỉ IPv4 “/8” cuối cùng cho 5 cơ quan cấp phát địa chỉ Internet khu vực (RIR). Như vậy, nguồn dữ trữ IPv4 của thế giới đã hết và hiện chỉ còn lượng địa chỉ IPv4 đang nằm tại RIR. Các cơ quan này sẽ phải tự xoay xở trong lượng địa chỉ đang nắm giữ bao gồm nguồn địa chỉ đã xin từ IANA trước đây nhưng chưa cấp phát hết và các khối địa chỉ “/8” cuối cùng vừa được IANA cấp. Cụ thể, APNIC sẽ kiểm tra tình hình sử dụng thực của các ISP xin cấp phát như đã sử dụng hết mức giới hạn cho phép khoảng 80% lượng địa chỉ IPv4 chưa. Bên cạnh đó, các ISP cũng sẽ phải khai báo hệ thống mạng lưới và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, sử dụng IPv4 trong thời gian tới như thế nào để APNIC thẩm định. Trong thời gian qua, VNNIC đã cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/10” (tương đương hơn 4 triệu địa chỉ) cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) (vào tháng 9/2010). Hai nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn còn lại ở Việt Nam là FPT cũng đang xin cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/13” (tương đương 512 nghìn địa chỉ) và Viettel xin cấp phát vùng “/11” với số lượng 2 triệu địa chỉ IPv4. Các ISP khác như EVN Telecom… chưa thấy có nhu cầu xin thêm địa chỉ IPv4. Các ISP không nên tìm cách kéo dài thời gian sử dụng IPv4 thêm nữa vì lượng địa chỉ còn lại rất ít mà cần phải bắt buộc tiến hành càng sớm càng tốt giai đoạn chuyển đổi sang IPv6. Tiếp theo, các ISP sẽ phải quy hoạch lại số lượng địa chỉ IPv4 của doanh nghiệp mình, có kế hoạch bổ sung thêm lượng địa chỉ đối với mạng thực sự cần thiết, cấp bách trong thời gian 6 tháng đầu năm 2011 và chuẩn bị đủ hồ sơ, sở cứ pháp lý để xin thành công APNIC trong thời điểm vẫn có thể xin được.

Khó khăn trong lắp đặt mới trạm BTS

Thanh tra Bộ TT&TT vừa tiến hành thanh tra trên diện rộng việc kiểm định và công bố sự phù hợp đối với các trạm BTS. Kết quả thanh tra cho thấy còn nhiều bất cập từ nhiều phía trong vấn đề quản lý trạm BTS. Theo Thanh tra Bộ TT&TT, trình tự, thủ tục xin phép xây dựng trạm BTS tại từng địa phương khác nhau. Nhiều doanh nghiệp lúng túng, không biết cần phải có những giấy phép gì khi triển khai xây dựng trạm BTS. Điển hình, có địa phương còn yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xây dựng trạm BTS và phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đề nghị địa phương hướng dẫn trình tự, thủ tục xin xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường thì lại không được hướng dẫn. Thanh Tra Bộ TT&TT cũng cho biết thêm: tại một số địa phương chưa thực hiện cơ chế “một cửa”. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn xây dựng, lắp đặt trạm BTS trên địa bàn cần phải qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục đó, nhưng nếu người dân tại khu vực vẫn không chấp nhận thì doanh nghiệp phải tìm địa điểm khác và phải tiến hành các thủ tục như trên từ đầu.

Phải giải quyết khiếu nại viễn thông trong 20 ngày

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói chung và viễn thông, Internet nói riêng đã có thêm một “cây gậy” cụ thể để giải quyết các khiếu nại của khách hàng từ ngày 1/7/2011 tới. Thông tư số 05/2011/TT-BTTTT vừa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký ban hành đã quy định rất rõ về công tác giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thay thế Quyết định số 05/2007/QĐ-BBCVT ngày 05/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành Quy định về giải quyết khiếu nại và hướng dẫn giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông và Internet. Thông tư 05 quy định việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ đối với bên cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bao gồm: bưu chính; viễn thông và Internet; CNTT và điện tử; báo chí; xuất bản; phát thanh, truyền hình và hướng dẫn giải quyết tranh chấp của cơ quan quản lý nhà nước. Theo Thông tư trên, đối với dịch vụ viễn thông và Internet; CNTT và điện tử; báo chí; xuất bản; phát thanh, truyền hình: thời hiệu khiếu nại đối với giá cước là một tháng kể từ ngày nhận được thông báo hoặc hóa đơn thanh toán cước đầu tiên hoặc kể từ ngày thanh toán cước dịch vụ; thời hiệu khiếu nại đối với chỉ tiêu chất lượng dịch vụ và các vi phạm khác là ba tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ hoặc xảy ra vi phạm... Thời hạn giải quyết khiếu nại cũng được đưa ra mốc cụ thể, thời hạn giải quyết khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính là không quá hai (02) tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính trong nước và không quá ba (03) tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính quốc tế. Riêng với các quyết khiếu nại đối với dịch vụ viễn thông và internet; công nghệ thông tin và điện tử; báo chí; xuất bản; phát thanh, truyền hình, thời gian phải giải quyết khiếu nại không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Hết nỗi lo nghẽn mạng dịp Tết

Với việc các nhà mạng liên tục đảm bảo an toàn cho mạng lưới vào dịp Tết, không để xảy ra sự cố nghẽn mạng trong đêm giao thừa, nhiều chuyên gia cho rằng, một tiêu chuẩn mới về chất lượng dịch vụ di động đang được thiết lập… Nghẽn mạng, nghẽn cổ chai đêm giao thừa vốn được coi là vấn đề rất khó tránh của lĩnh vực thông tin di động. Thế nhưng 2 năm gần đây, khách hàng của các nhà mạng luôn gọi và nhắn tin thông suốt vào thời khắc chuyển giao năm mới. Các hãng di động đang thay đổi một điều bình thường của những năm cũ. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mạng lưới về tối ưu hóa, dung lượng, trực và điều chuyển tải kịp thời hệ thống của các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone… luôn vận hành ổn định. Tính ra, lĩnh vực di động Việt nói chúng đã có được hai cái tết được thở phào nhẹ nhõm về chất lượng dịch vụ dịp Tết. Còn riêng MobiFone, đây là năm thứ 3 liên tiếp, nhà mạng đã chống nghẽn thành công đêm giao thừa và đem lại “điều bất thường” vào thời khắc chuyển giao năm mới. Những năm trước đây, việc nhắn tin và thực hiện cuộc gọi vào đêm 30 được coi như một “điệp vụ bất khả thi” bởi mạng lưới của các hãng di động hều hết đều ở tình trạng bị quá tải.

Viettel lọt vào top 20 nhà mạng lớn nhất

Trong bảng xếp hạng về số liệu viễn thông thế giới tính đến quý 3/2010 của tổ chức Wireless Intelligence, Viettel đứng thứ 19 trong số 784 nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu về lượng thuê bao.
Thứ hạng của Viettel đã tăng 5 bậc so với quý 2/2010 và đứng ngay trước mạng di động Sprint (Sprint Nextel) của Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á, Viettel đã tăng một bậc, hiện đứng thứ 2 trong số 58 nhà cung cấp, chỉ sau nhà mạng Telkomsel (Telekomunikasi Selular) của Indonesia.
Sau 10 năm gia nhập thị trường viễn thông, Viettel hiện là mạng di động lớn nhất Việt Nam với hơn 42.200 trạm phát sóng 2G và 3G. Năm 2010, Viettel tiếp tục duy trì mức phát triển tốc độ cao, đạt doanh thu trên 91.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 15.500 tỷ đồng và trở thành đơn vị dẫn đầu tăng trưởng trong ngành viễn thông.

Thêm một hãng bảo mật vào Việt Nam

Với việc chọn Transition Systems Việt Nam là nhà phân phối chính thức, WatchGuard® Technologies, công ty chuyên về các giải pháp bảo mật cho doanh nghiệp chính thức đặt chân vào thị trường bảo mật của Việt Nam. Được biết WatchGuard, Đã có mặt tại hai quốc gia khu vực Đông Nam Á là Singapore và Philippines, đại diện của WatchGuard cho biết mong muốn chiếm lĩnh một thị phần đáng kể trong thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam thông qua Transition.

WatchGuard là doanh nghiệp chuyên về cung cấp các giải pháp bảo mật cho doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại Seattle (Mỹ). Có mặt tại 120 quốc gia và được hỗ trợ bởi một mạng lưới hơn 15.000 đối tác, WatchGuard đặt trụ sở chính khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Singapore. Trên thế giới hiện có hơn 600.000 ứng dụng an ninh của WatchGuard đang được triển khai.

ITU cảnh báo nguy cơ nghẽn mạng băng thông rộng di động toàn cầu

Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Hamadoun Touré ngày 11.2 cảnh báo nguy cơ nghẽn mạng băng thông rộng di động toàn cầu nếu các chính phủ trên thế giới không hành động khẩn cấp để mở rộng lưu lượng mạng băng thông này.  ITU dự báo số khách hàng sử dụng điện thoại di động băng thông rộng sẽ lên tới 1 tỉ vào quý I/2011 và số khách hàng sử dụng điện thoại thông minh trên toàn cầu sẽ tăng từ 500 triệu hiện nay lên 2 tỉ vào năm 2015. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh, các nhà điều hành mạng phải triển khai các chiến lược đa chiều. Mặc dù các nhà điều hành mạng đã đầu tư nhiều tỉ USD để nâng cấp và cải thiện dung lượng mạng nhưng ở nhiều thành phố lớn, tình trạng nghẽn mạng đã trở nên thường xuyên và không đáp ứng được nhu cầu khách hàng sử dụng điện thoại di động không ngừng tăng lên. Hiện đã có 98 nước có kế hoạch mở rộng mạng băng thông rộng quốc gia. 

Thế giới tốn 1,2 tỷ ổ cứng để lưu dữ liệu

Các nhà khoa học vừa công bố con số đo được về lượng thông tin của thế giới đã lưu trữ đến năm 2007 trên tạp chí Science (Khoa học). Đây là một con số khổng lồ. Theo tính toán số lượng dữ liệu lưu trữ trên thế giới tới năm 2007 là 295 Exabyte Đơn vị lưu trữ trên các máy tính thông thường được đo bằng bằng kilobyte, sau đó là MB, và Gigabyte, Terabyte, Petabytes và Exabyte (1 Exabyte bằng tỷ Gigabyte)… Như vậy, để lưu toàn bộ số dữ liệu này thế giới cần tới 1,2 tỷ ổ cứng có dung lượng trung bình. Các nhà nghiên cứu còn đưa các một so sánh khá thú vị đó là nếu số dữ liệu này được lưu lại trên các công nghệ kỹ thuật số thời gian từ năm 1986 tới 2007. Trong đó, bao gồm các cách lưu trữ trên các ổ cứng máy tính đã lỗi thời, đĩa mềm, phim chụp x-quang hay với các vi mạch trên thẻ tín dụng, sách, đĩa CD... Cùng một lượng thông tin trên nếu đem lưu trữ ra các đĩa CD có thể tạo ra một chồng đĩa cao tới tận mặt trăng. Điều này cũng cho thấy một thời kỳ được gọi là "cuộc cách mạng thông tin" là quá trình chuyển đổi xã hội con người đến một thời đại kỹ thuật số. Nó cho thấy là trong năm 2000, 75% thông tin lưu trữ được trong các định dạng như băng từ video, nhưng đến năm 2007, 94% số dữ liệu này đã được chuyển sang lưu trữ kỹ thuật số. Các kết quả khác từ các chương trình khảo sát toàn cầu cho thấy chương trình phát sóng tương đương khoảng hai Zettabytes dữ liệu (Zettabyte bằng 1000 Exabyte). Điều đó có nghĩa là 175 tờ báo cho một người mỗi ngày. Đặc biệt, một phát hiện của các nhà khoa học đó là các DNA trong cơ thể con người là thứ có khả năng lưu lớn nhất, nó gấp khoảng 300 lần so với cách lưu trữ trên các thiết bị công nghệ khác.

Công nghệ mới sẽ loại bỏ những cột thu phát sóng xấu xí

Khi điện thoại di động phát triển, một số lượng lớn cột sóng – những cây sắt xấu xí được gắn thiết bị phát sóng và những linh kiện điện tử mọc lên khắp nơi. Nền công nghiệp không dây đang lên kế hoạch về một tương lai không có chúng. Thay vào đó, sẽ là những ăng ten nhỏ hơn nhiều, nhỏ tới mức có thể cầm trên tay. Chúng có thể được gắn trên các cột đèn hay các tòa nhà hay bất kỳ đâu có điện và kết nối mạng. Nếu công nghệ này vượt được những vật cản, nó có thể giúp cho công nghệ không dây phát triển, đưa ra một dịch vụ liền mạch với ít điểm chết hơn và tốc độ cao hơn. Đối với các công ty di động, lợi ích của việc chia nhỏ những mạng của họ là mỗi khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn với chất lượng thoại và tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn, với thời lượng pin sử dụng lâu hơn do vùng phủ sóng sâu trong các tòa nhà, sân vận động, nhà ga... Thay vì việc tất cả điện thoại trong vòng một hai dặm kết nối tới cùng một cột phát sóng, lưu lượng sẽ được chia nhỏ ra nhiều phần nhỏ hơn, do vậy sẽ có ít sự tranh chấp sóng đối với các cột phát sóng hơn.

Nguồn tin: mic.gov.vn

 Tags:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI NHẤT
Quyết định V/v công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách quý III năm 2024 của trường THPT Chà Cang
THỰC ĐƠN SUẤT ĂN HÀNG NGÀY CUNG CẤP CHO HỌC SINH NĂM HỌC 2024 - 2025
Quyết định V/v công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2023
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách quý II năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay12,561
  • Tháng hiện tại249,616
  • Tổng lượt truy cập18,806,245
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây