DIC-Tuần cuối cùng của năm được ghi dấu với hoạt động tổng kết năm của Bộ TT&TT đi kèm với những dự báo về thị trường viễn thông, CNTT năm 2011 và một loạt bài khác đưa ra những cảnh báo liên quan đến mặt trái của mạng Internet và điện thoại di động.
Những dự báo về viễn thông năm 2011:
Cước di động có thể tăng trong năm 2011
VnExpress đã trích dẫn lời Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông - Lê Nam Thắng trong hội nghị tổng kết năm của Bộ TT&TT: trong năm 2011 giá cước di động của Việt Nam khó giảm nhiều, thậm chí có loại dịch vụ, gói cước còn có thể điều chỉnh tăng. Xu hướng trong năm 2011, thị trường viễn thông, công nghệ thông tin sẽ có sự sáp nhập mua bán giữa các doanh nghiệp.
Về xu hướng điều hành giá cước năm 2011, ông Thắng cho biết thêm, trong bối cảnh giá hầu hết các mặt hàng đang tăng như hiện nay, đặt vấn đề giảm giá là không thực sự phù hợp. Giá cước cần căn vào chi phí, giá thành và điều kiện kinh doanh của từng doanh nghiệp. 10 năm qua cước di động của VN liên tục giảm mạnh và hiện đã tiệm cận giá thành, còn cước điện thoại cố định thấp hơn giá thành. Do vậy, xu hướng tới đây, cước di động sẽ rất khó giảm mạnh. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc theo hướng có gói cước sẽ tăng, có loại giảm và có loại giữ nguyên.
Viễn thông Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại
Theo ICTnews trích nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, trong năm 2011 thị trường viễn thông Việt Nam vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhưng chắc chắn, tốc độ không bằng các năm trước. Bởi lẽ, về số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông, với dân số khoảng 86 triệu dân, sau giai đoạn phát triển “nóng”, đã đến lúc thị trường viễn thông Việt Nam bão hoà về mặt số lượng. Tuy nhiên, thị trường viễn thông năm 2011 vẫn sẽ tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, về chất lượng dịch vụ cũng như sự đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chủ trương chỉ đạo của Bộ TT&TT không phải là chạy theo số lượng thuê bao mà mục tiêu chính trong giai đoạn tới là phải tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Năm 2011 tới, thị trường sẽ có tăng trưởng về chất, các dịch vụ cung cấp trên nền viễn thông băng rộng sẽ phát triển mạnh mẽ”.
2011: Viễn thông cạnh tranh khốc liệt, CNTT tiếp tục tăng tốc
Theo ictnews, trong năm 2011 và những năm tới, các “đầu tàu” trong ngành CNTT-TT đặt ra mục tiêu tăng tốc rất mạnh. Ở lĩnh vực CNTT, CMC đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng hàng năm 25-30% và đạt doanh thu từ 800 triệu đến 1 tỷ USD vào năm 2015. FPT cũng tham vọng có 10.000 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2014 và trở thành doanh nghiệp nằm trong top 500 toàn cầu vào năm 2015.
Cũng trong năm tới, lĩnh vực viễn thông được dự báo sẽ cạnh tranh rất khốc liệt với sự tham gia của một số tên tuổi mới. Mạng di động thứ 8 Đông Dương Telecom dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ di động vào giữa năm 2011 với đầu số 099 (dải số 0998 và 0999). Đặc biệt, thị trường này sẽ có thêm sự tham gia của FPT (mua lại hơn 50% của nhà mạng EVN Telecom).
Những cảnh báo liên quan đến mặt trái của Internet, điện thoại di động
Sự thật là Internet đang mang lại tiện ích ngày một nhiều hơn cho người sử dụng. Song đồng hành với những tiện ích này là những hiểm họa khôn lường.
Mua hàng trên mạng: coi chừng lừa đảo!
Theo Tuổi trẻ cảnh báo tình trạng lừa đảo trên mạng hiện nay phổ biến dưới dạng: Hàng trên mạng giá rẻ, hình ảnh sản phẩm hấp dẫn, website thiết kế chuyên nghiệp cùng với thông tin cũng rất chuyên nghiệp. Kẻ lừa đảo đóng giả người của công ty có trang web, hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản và… biến mất. Để nạn nhân chờ nhận hàng trong vô vọng. Hoặc kẻ lừa đảo “treo đầu dê, bán thịt chó”, chuyển hàng xấu, hàng giả cho người mua… Một hình thức khác là lừa đảo đấu giá máy tính online
Theo VnExpress, bằng cách khởi tạo và khéo léo sử dụng một số nick giao dịch trên các trang thương mại điện tử, kẻ lừa đảo Hoàng Thế Anh đã lừa được nhiều người.
Khoảng tháng 8 năm nay, đối tượng này đã lợi dụng trang web chodientu đăng đấu giá sản phẩm laptop Apple Macbook, máy tính Lenovo Y550P, laptop Macbook… Hễ người nào thắng trong phiên đấu giá, Thế Anh dụ họ chuyển tiền vào tài khoản của mình, không giao hàng và… biến mất. Đối tượng này đã lợi dụng kẽ hở từ tâm lý mua bán nhẹ dạ cả tin và thói quen online mua hàng nhưng thích thanh toán bằng tiền mặt của người dân khi tham gia mua bán trên mạng để thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.
Tràn lan Web ‘3S’: Sốt, Sốc, Sex
Theo ictnews thống kê của Cục An ninh thông tin - truyền thông (Bộ Công an) cho thấy, hiện có khoảng 300 trang web “đen” đang nhắm tới đối tượng là giới trẻ Việt Nam. Sai phạm của những trang web “bẩn” đã rõ ràng. Nhưng cả ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) và ông Nguyễn Văn Khanh - Trưởng phòng Báo chí - xuất bản (Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM) đều nhìn nhận việc xử phạt đối với những trang web này hoàn toàn không đơn giản.
Theo thông tin từ Cục An ninh Thông tin - Truyền thông, nhiều trang web “bẩn” đã bị dẹp bỏ. Một số đối tượng xây dựng và điều hành các trang web này đã bị bắt và xử lý hình sự, nhưng việc xử lý này vẫn không thể giải quyết tận gốc. Bởi hầu hết những trang web bẩn đều sử dụng tên miền quốc tế. Xác định được ai là chủ thể để xử phạt là chuyện không dễ và đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức. Thêm vào đó, việc mua tên miền hiện nay quá đơn giản, chỉ cần khoảng 100 USD đã có thể sở hữu một tên miền. Đánh sập web này, vài hôm sau lại xuất hiện một trang web khác nội dung tương tự.
SMS rác bùng phát với thủ đoạn mới
Theo ictnews SMS “rác” quảng cáo cho các đầu số 6776, 8700, 8779, 6773… tiếp tục hoành hành, “đánh đu” với thuê bao di động và thách thức cơ quan quản lý. Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, những kẻ “ném rác” lại tỏ ra cao tay khi quay sang sử dụng đầu số 091 của VinaPhone hay 098 của Viettel để thu hút những người vốn dĩ rất… ghét loại thuê bao 11 số.
Với những gì đang diễn ra trong thực tế thì đến nay, gần 2 năm đã trôi qua kể từ ngày Thông tư số 12 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác có hiệu lực, câu chuyện xử lý vấn nạn tin nhắn rác trong nước vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Cũng đáng chú ý, liên tiếp trong các năm 2009- 2010, dù các đơn vị chức năng cùng các nhà mạng đều tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay CP phát tán tin nhắn rác nhưng cộng đồng sử dụng điện thoại di động vẫn liên hồi “sống trong bực bội” vì bị làm phiền.
Chưa chặn được tin nhắn mạo danh
Theo Tuổi trẻ qua kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động về việc ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn giả mạo, Bộ Thông tin - truyền thông xác định Công ty Vinaphone, Công ty thông tin di động VMS (MobiFone), Công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu (Beeline), Công ty Vietnamobile chưa ngăn chặn được tin nhắn gửi từ quốc tế về giả mạo số điện thoại tại Việt Nam. Trong khi đó, Công ty viễn thông Viettel, Công ty thông tin viễn thông Điện lực (EVN), Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom (S-Fone) đã ngăn chặn được tình trạng này.
Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu các công ty chưa ngăn chặn được tình trạng trên khẩn trương ngăn chặn tình trạng tin nhắn gửi từ quốc tế về giả mạo số điện thoại VN trước ngày 1-1-2011 để bảo vệ thuê bao của mình.
Việc nhắn tin mạo danh với số điện thoại bất kì đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây khá lâu, nhưng vấn đề này chỉ thực sự nóng lên vào đầu tháng 5/2010. Không chỉ giả mạo cuộc gọi, mạng Internet gần đây bắt đầu xuất hiện dịch vụ gửi tin nhắn mạo danh bất kỳ số di động nào của các nhà mạng Việt Nam.
Đây là dịch vụ gửi tin nhắn từ trang web đến các thuê bao di động bất kỳ. Người dùng rất khó có thể tự bảo vệ được mình vì những kẻ giả mạo có thể mạo danh số điện thoại của bất kì ai. Nhiều lo ngại về việc lừa đảo đã được nêu ra khi tin nhắn mạo danh được kẻ xấu lợi dụng.
3 hãng viễn thông được rút trên 3.700 tỷ đồng tiền đặt cọc 3G
Nhiều báo đưa tin 3 hãng viễn thông Viettel, MobiFone và VinaPhone vừa được rút lại 50% tiền đặt cọc vào mạng 3G, tương đương với 3.750 tỷ đồng, sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận đã thực hiện đúng cam kết.
Như vậy, trong số 4 giấy phép triển khai mạng 3G được cấp, chỉ còn liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom chưa được hoàn lại 50% tiền đặt cọc vì Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa xác nhận việc hoàn thành cam kết.
Hồi giữa năm 2010, 3 hãng viễn thông Viettel, MobiFone và VinaPhone đã được rút 50% số tiền đặt cọc. 3.750 tỷ đồng là 50% số tiền còn lại mà 3 nhà khai thác di động đại gia này được phép rút về; trong đó, Viettel được rút 2.200 tỷ đồng.
Ngưng cung cấp gói cước gọi quốc tế giá rẻ từ di động
Theo VnMedia bên cạnh thông tin phấn khởi về việc các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động khuyến mại thẻ dịp cuối năm, thuê bao lại đón nhận tin kém vui khi VinaPhone cho biết đã tạm ngừng đăng ký mới gói cước IDD1714 kể từ sau ngày 22/12/2010. Các khách hàng đang sử dụng gói cước này sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn của gói cước. Trước đó đúng một tuần, MobiFone cũng tạm dừng cung cấp dịch vụ Global Saving.
Chính thức công bố Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2010
Sáng ngày 29/12, Bộ TT&TT đã chính thức công bố Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2010 với tên gọi mới là VICTA 2010 - giải thưởng quốc gia duy nhất trong lĩnh vực CNTT-TT. Giải thưởng năm nay sẽ có một số thay đổi trong lĩnh vực viễn thông cố định, di động và Internet. Cụ thể, giải thưởng dành "Doanh nghiệp viễn thông di động xuất sắc nhất" sẽ được đổi tên thành giải thưởng cho "Doanh nghiệp hiệu quả nhất"; giải thưởng "Doanh nghiệp viễn thông di động chăm sóc khách hàng tốt nhất" sẽ được thay thế bằng giải thưởng dành cho "Doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ tốt nhất" và bổ sung giải thưởng doanh nghiệp có gói cước xuất sắc nhất.
Trao giải thưởng Quả cầu vàng 2010
Theo Thanh niên, Ictnews, chiều 29.12, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng đã trao giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực CNTT năm 2010.
Năm nay, giải thưởng Quả cầu vàng được trao cho 10 cá nhân có thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành CNTT; 40 sinh viên được nhận phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực CNTT. Sau lễ trao giải, tại trường ĐH FPT, các cá nhân nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2010 tham gia giao lưu với sinh viên.
Năm 2010: "nóng" với những sự kiện mạng
Theo Tuổi trẻ, năm 2010 "nóng" với các sự kiện sau:
Cạn kiệt địa chỉ Internet
Trong quý 4 năm nay, các tổ chức quản lý và cấp phép địa chỉ tên miền số Internet trên thế giới đều lên tiếng cảnh báo về tình trạng cạn kiệt địa chỉ mạng (IPv4) theo đó Thế giới đã sử dụng hết 95% địa chỉ mạng Do đó, việc mở rộng chuyển từ IPv4 sang IPv6 là điều cần thiết.
"Trái bom" WikiLeaks chấn động thế giới
Không phải bàn cãi nhiều về tầm ảnh hưởng của những tài liệu mật mà WikiLeaks công bố trong năm 2010. Hàng trăm hàng ngàn tin bài trên khắp các trang mạng liên tục đưa tin về sự kiện WikiLeaks, từ trước thời điểm công bố cho đến giai đoạn vị chủ nhân của trang web này là Julian Assange phải ẩn dật nhiều nơi như website của mình.
Facebook: bành trướng và hiểm họa mã độc
Tương tự Google hai năm về trước, Facebook trở thành câu nói cửa miệng hằng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Mạng xã hội này hiện diện khắp nơi trên Internet. mỗi lần dịch chuyển là mỗi lần Facebook làm nghẹt thở các đối thủ. Tuy nhiên, virus và mã độc cũng là cụm từ được nhắc đến song hành cùng Facebook. Phạm vi rộng lớn và tính chất liên kết giữa các tài khoản là môi trường màu mỡ cho tin tặc phát tán mã độc hay lừa đảo.
Sự kiện Google tại Trung Quốc
Từ giữa tháng 12-2009 đến đầu năm 2010, hệ thống máy chủ của Google và các công ty lớn tại Mỹ bị tin tặc tấn công, dẫn đến việc Google tuyên bố ngưng cung cấp các dịch vụ của mình như công cụ tìm kiếm tại thị trường Trung Quốc.
5 xu hướng smartphone năm 2011
VnExpress đăng tin tạp chí PC World (Mỹ) dự đoán xu hướng điện thoại qua một số tin đồn về các smartphone sẽ xuất hiện vào ngày 6/1-9/1 tại Las Vegas (Mỹ):
Điện thoại 4G
Camera phía trước
Điện thoại Windows Phone
Trải nghiệm game thú vị hơn
Smartphone giá rẻ
Tác giả bài viết: dic.gov.vn
Nguồn tin: mic.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |