(GD&TĐ) - Năm 1967 cậu học sinh giỏi môn Vật lý tỉnh Hải Hưng, Đặng Đình Bưởng phải bỏ học dở dang lớp 8 vì nhà nghèo nhưng niềm khao khát, đam mê được học luôn thôi thúc. Và thật may mắn ông được người làng quý mến vì học giỏi, ngoan ngoãn đã nhận làm con nuôi đưa lên Lai Châu học.
Trải qua năm tháng gian nan từ cậu học sinh sống xa nhà đến cương vị hiệu trưởng nhưng không bao giờ trong ông tắt đi ngọn lửa đam mê. Niềm đam mê học tập, nghiên cứu đã truyền sang cho đồng nghiệp và lớp lớp học trò.
Học sinh chúc mừng thầy |
Chúng tôi gặp thầy Đặng Đình Bưởng, hiệu trưởng trường PTTH Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đúng dịp kỷ niệm 28 năm nhà giáo Việt Nam, niềm vui được nhân lên bội phần khi thầy được trao tặng danh hiệu cao quý NGƯT. Nghe thày giãi bày về nghiệp giáo, tôi như bị cuốn vào niềm đam mê, nhiệt huyết, ấy.
Quê thầy ở huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên) ngày đi học năm nào cũng thầy là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Vật lý nhưng vì gia đình quá nghèo, trường cấp 3 lại sơ tán cách xa nhà 8km nên học hết học kỳ 1 năm lớp 8 thầy đành phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ công việc đồng áng. Dù phải nghỉ học ở nhà cậu học trò ham học vẫn luôn mơ ước một ngày được trở lại trường nên tự mượn sách các bạn cùng lớp về nhà học và may mắn khi có người cùng làng công tác ở Lai Châu về thăm quê đã nhận thầy làm con nuôi đưa lên nuôi ăn học, không phụ công lao của người đã cưu mang mình, học xong cấp 3 năm 1973 thầy thi đậu thủ khoa, khoa Lý của trường ĐHSP Việt Bắc (nay là ĐHSP Thái Nguyên) 4 năm sinh viên thầy say sưa học tập nghiên cứu ngành học mà mình đam mê vừa làm thợ cắt tóc để trang trải cho việc học.
Ra trường với kết quả học tập xuất sắc thầy xin về Lai Châu, từ chối rất nhiều trường thuận lợi ngỏ ý mời thầy về làm giáo viên, kể cả việc nhà trường muốn giữ thầy ở lại làm giảng viên.
Thầy bảo: Mình mang ơn mảnh đất và con người nơi đây lẽ nào mới có một chút thành đạt đã vội quên sao! Thầy lên dạy tại trường cấp 3 huyện Điện Biên tỉnh Lai Châu từ năm 1977 – 1987, 10 năm gắn bó với mái trường vừa làm tổ trưởng chuyên môn và trong thời gian ấy lần đầu tiên trường có học sinh thầy dạy tham dự thi học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý.
Do điều kiện hoàn cảnh gia đình, thầy được tổ chức cho chuyển về quê. Hai vợ chồng thầy về dạy tại trường chuyên Nguyễn Trãi huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) được giao dạy đội tuyển chuyên lý của trường luôn đạt được giải cao đứng thứ nhất trong tỉnh, học sinh thầy ôn thi đại học đều đỗ 100% nên báo Hải Hưng lúc bấy giờ đã từng gọi thầy là “Thợ dạy học”.
Thầy hướng dẫn học sinh học môn Vật Lý |
Sau 6 năm gắn bó với mái trường ổn định cuộc sống và công việc trên mảnh đất quê hương , thời điểm này sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên dự định mở trường năng khiếu Điện Biên, có tha thiết mời thầy về hỗ trợ trường rất cần giáo viên giỏi có kinh nghiệm.
Nặng lòng với mảnh đất, tình người vùng cao, năm 1993 thầy trở lại Điện Biên, khi đó thì tỉnh chưa có chủ trương thành lập trường, 12 năm thầy làm hiệu phó trường Trung cấp nghề vừa công tác ở ngành điện lực vì khi đó ngành điện rất cần cán bộ chuyên môn giỏi về vi tính.
Năm 2004 thầy được điều về làm hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Giót, Thành phố Điện Biên Phủ với lòng tâm huyết, yêu nghề biết cách tổ chức, lãnh đạo, thầy đưa trường từ trường trung bình của Thành phố thành một trong những trường đứng đầu về chất lượng giáo dục, thầy kiêm luôn phụ trách đội tuyển học sinh giỏi và dạy môn vật lý.
Đến năm 2007 trường PTTH Thanh Chăn, huyện Điện Biên là trường biên giới mới thành lập điều kiện hết sức khó khăn với 77% học sinh là con em dân tộc thiểu số. Thầy xung phong lên để phát triển trường mới, sau 3 năm trường đạt được thành tích xuất sắc, năm học 2009 – 2010 tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 77% cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 7%, với 41 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và một em đoạt giải vật lý cao nhất tỉnh, có 31 em thi đỗ vào đại học và 69 em đỗ vào các trường cao đẳng trong cả nước.
Với đóng góp cho ngành giáo dục, 6 năm liền thầy được công nhận là chiến sĩ thi đua, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, và gần đây nhất được vinh danh Nhà giáo Ưu tú.
23 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy luôn tâm niệm một điều là người thầy yếu tố thành công đầu tiên là phải có niềm đam mê và truyền niềm đam mê ấy cho học sinh.
Tác giả bài viết: Phạm Kiên Cường
Nguồn tin: Báo GD&TĐ Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |