Giáo dục ở nơi nghèo nhất nước

Thứ năm - 23/12/2010 12:30

HS lớp 1 Thào Thị Sò địu em đến trường để được đi học

HS lớp 1 Thào Thị Sò địu em đến trường để được đi học

(GD&TĐ) - Mường Nhé là một huyện miền núi thuộc tỉnh Điện Biên, nghèo nhất trong tổng số162 huyện nghèo nhất cả nước. Nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc và Lào. Không đến Mường Nhé sẽ không thấu hiểu sự hy sinh của những người lính biên phòng, của đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là những thầy cô giáo trẻ vùng xuôi gắn kết đời mình gieo cái chữ cho con em đồng bào nơi đây.

Cái nghèo vẫn còn bao bọc

Đường về Mường Nhé từ thành phố Điện Biên dài hun hút, với mấy trăm km, gồm cả đường trải nhựa, cả đường đất trơn trượt nếu trời mưa hoặc có chút sương đêm. Mường Nhé được thành lập theo Nghị định 08/2002/NĐ-CP ngày 14/1/2002 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hai huyện Mường Tè và Mường Lay của tỉnh Lai Châu trước đây. Đó cũng là huyện miền núi duy nhất của Điện Biên ngày nay có ngã ba biên giới A Pa Chải, xã Sín Thầu tiếp giáp với láng giềng Trung Quốc và Lào. Điểm đặt chân đầu tiên chính là xã Nà Khoa. Từ Điện Biên lên đây ước chừng 180km nhưng chỉ có 140km đường trải nhựa. Nhưng để đi nốt quãng đường 40 km đường đất còn lại chiếc Lancuzer vốn là xe địa hình miền núi cũng chỉ cài số 1, leo dốc mất hơn 2 giờ. Bình thường muốn về quê giáo viên phải trả tiền xe ôm vài trăm ngàn một lượt đi hoặc về. Nhưng vào thời điểm mùa mưa đường trơn, vừa nguy hiểm nhưng tiền xe ôm trở thành vô giá, thậm chí lên đến tiền triệu, bằng một phần tiền lương giáo viên miền núi. Vậy là một ngày ngồi xe từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên, lại cộng thêm một ngày nữa mới đến được xã Nà Khoa.

Tại điểm trường Nà Khoa số 2, chỉ duy nhất ngôi nhà kiên cố cấp 4 giành cho mấy lớp học. Tất cả còn lại đều là nhà tranh tre nứa lá, kể cả nhà ở giáo viên, nhà nội trú của của 12 học sinh có nhà cách xa trường khoảng 20km. Tiếp tôi là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuý cũng trong căn phòng làm bằng vách gỗ ghép, kế sát bên là những lớp học, vang lên tiếng đọc bài ê a của học sinh lớp 1, lẫn lộn âm đ và l, dù thầy giáo đã cố sửa nhưng học sinh vẫn còn ngọng, chưa phát âm chuẩn. Một bên là tiếng cô giáo dạy các em học sinh lớp 2 làm toán. Vậy mà đây lại là điểm trường chính của trường Tiểu học Nà Khoa. Bản thân các cô giáo cũng tự nhận xét: Chúng em ở đây là sướng hơn các điểm trường lẻ nhiều lắm.

Có lẽ “sướng” hơn các đồng nghiệp theo các cô lý giải là giao thông đi lại thuận tiện hơn chăng? Chứ thực ra cái nghèo của giáo viên miền núi, lại ở cái huyện đặc biệt nghèo, nghèo nhất cả nước thì như nhau cả thôi. Hơn 10 thầy cô, kể cả CBCNV làm việc tại điểm trường chính, tất cả 100% ở nhà tre nứa lá, ngay cạnh trường học. Nhà nào có hai vợ chồng thì rộng rãi khoảng 20m2, còn không thì mươi mét vuông, nhưng gồm cả khu nhà tắm và bếp nấu. Vào thăm mấy ngôi nhà giáo viên tự làm, trong tôi trào dâng cảm xúc khó tả. Thương những người đồng nghiệp bám trụ ở mảnh đất biên cương đang gồng mình gánh chữ cho đồng bào Mông. Đêm biên ải như kéo dài thêm bởi những cơn gió rét lùa vào đến tận giường nằm. Xung quanh là màn trời đêm lạnh lẽo đến nao lòng.

Cuộc sống của họ đạm bạc đến vô cùng. Không gia đình nào có nổi chiếc ti vi. Đường điện lưới quốc gia chưa vào đến đây. Chả thế mà khi cô Bùi Thị Si thấy con chuẩn bị vào lớp 1, đã đưa con trai lên ở với mẹ, để mong kèm cặp cho con học hành, mẹ được ở cùng con nhưng được vài ngày, cô đành gạt nước mắt gửi con về quê cho bố mẹ chồng, dù ông bà đều đã qua tuổi cô lai hy.

Chồng cô Thuý là bộ đội biên phòng nhưng đóng quân cách xa vợ 70km, vài tháng mới được gặp nhau. Con phải gửi về xuôi nhờ ông bà nuôi ho từ lúc 17 tháng tuổi. Ở đây cũng đồng nghĩa bặt tin nhà bởi điện thoại chưa phủ sóng. Thuý đang quyền hiệu trưởng nhưng cũng có bầu được vài tháng, dự kiến tháng 4 tới sẽ sinh. Ngôi nhà cũng trống huơ trống hoác. Hai đồng nghiệp nữ ở nhờ nhà của Thuý. Tài sản quí là 3 chiếc giường trõng nứa, cái bàn gỗ kê chính giữa để tiếp khách. Để đối phó với cái rét miền núi khi đêm về, xung quanh chỗ giường nằm được các cô che bằng ni lông. Trần nhà cũng dùng bạt để che chắn gió mưa.

Các cô đều tự tăng gia sản suất. Cuộc sống gần như tự cấp, tự túc. Gạo đi đong của dân bản, nhưng rau tự trồng. Cô nào khéo hơn thì nuôi con gà để cải thiện cuộc sống. Bởi một cân thịt lợn ở trên này đắt đỏ gấp đôi, gấp 3 dưới xuôi. Nói vậy thôi chứ nhiều cô chẳng nỡ ăn thịt gà, chỉ muốn nhân rộng đàn gà nuôi của mình. Nhưng trời cũng không chiều lòng người bởi ở đây gà, lợn hay chết vì bệnh dịch.

Mang tiếng là cùng huyện nhưng để đến được các điểm trường lẻ, do nhiều địa bàn huyện Mường Nhé chưa có đường ôtô, việc đi lại, giao lưu của đồng bào chủ yếu là đi bộ. Muốn đến các xã: Chung Chải, Sín Thầu, Nà Hỳ...giáo viên phải trèo đèo, lội suối, phải đối đầu với thiên nhiên khắc nhiệt, gió tạp, lũ quét bất ngờ nơi biên ải. giáo viên muốn đi gọi học sinh ra lớp cũng chỉ đi bộ. Thậm chí cuốc bộ 4-5km là chuyện thường.

Lòng người rộng lớn

Con cái phải gửi hết về xuôi cho bố mẹ già trông nom giúp. Có nhớ con, nhớ bố mẹ thì may chăng một năm giáo viên chỉ về vào dịp tết và nghỉ hè. Cũng đã có giáo viên sau hơn một tháng tới Mường Nhé đã bỏ về xuôi và không bao giờ quay trở lại đất này. Nhưng vẫn có những giáo viên trẻ quyết bám trụ nơi này, “gieo chữ” bằng cái tâm yêu nghề, yêu nghiệp trồng người. Những giáo viên miền xuôi bám trụ ở Nà Khoa và Nậm Kè... nếu không có lòng yêu nghề chắc chắn sẽ không trụ được nơi này lâu như vậy. Nào là cô Thuý, cô Si đều có chục năm gắn bó với nghề, gắn bó với giáo dục Mường Nhé- gắn kết cuộc đời mình với giáo dục huyện nghèo nhất cả nước. Trường Tiểu học có tổng số 30 lớp, với 485 học sinh, 100% là học sinh dân tộc Mông, chia thành 6 điểm trường lẻ và một điểm trường chính, trong đó số học sinh nữ chiếm hơn một nửa. Nhưng tại điểm trường chính có 5 lớp chia đều cho 5 khối. Đông nhất là khối lớp 5 có hơn 20 học sinh. Còn lại các khối khác học sinh chiếm số lượng ít hơn.

Đa số các thầy cô giáo miền núi đều trong độ tuổi rất trẻ. Kể cả Nậm Kè và Nà Khoa, điểm trường nào cũng toàn thầy cô trẻ. Như ở điểm trường chính Nà Khoa số 2, có 7/12 CB, giáo viên sinh năm 1989; thầy Cường mang tiếng là nhiều tuổi nhất cũng sinh năm 1971. Thầy cô nào cũng mệnh danh là những giáo viên rất giỏi trong việc vận động học sinh ra lớp. Bởi cứ đến mùa thu hoạch hay lên nương, học sinh đa số phải ở nhà phụ giúp bố mẹ như trông em hoặc đi nương cùng. Nếu cứ để học sinh nghỉ học lâu tất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Mỗi thầy cô giáo lại tự đi vận động phụ huynh cho con đi học, em nào nghỉ bài học nào lại được thầy cô dạy phụ đạo giúp bài ấy.

Giải pháp duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục huyện là ngay từ đầu năm học, các thầy cô dù ở trường trung tâm, hay ở điểm cắm bản đều phải đăng ký với phòng Giáo dục đảm bảo số lượng và chất lượng, học sinh đi học đều. Công việc này “Không hề dễ dàng”, nhất là với giáo viên Mường Nhé, điểm trường nọ cách điểm trường kia quá xa xôi và cách trở, giao thông đôi khi là đi bộ bằng đường mòn. Nhưng đã thành qui luật, cứ đến mùa làm nương tháng ba, tháng tư, một số học sinh vẫn nghỉ học để còn chăn trâu, làm nương hoặc giúp việc nhà cho bố mẹ. Nghỉ học như vậy gánh nặng bổ sung dạy kèm cho học sinh lại đổ lên vai thầy cô giáo.

Thiếu một buổi đã sợ học sinh không nắm được bài học, thiếu đến buổi thứ hai, thứ ba là giáo viên tức tốc phải vượt đồi đến nhà từng học sinh một, thậm chí bỏ cả ngày tìm đường lên nương, tìm cho được bố mẹ để vận động cho con cái họ đi học. Thậm chí, đôi khi giáo viên phải nhượng bộ, cho học sinh vừa đến trường, vừa địu em trên lưng đi học cùng để học sinh khỏi bị “đứt” chương trình học. Nhiều em đi học nhưng vẫn phải địu em để bố mẹ đi làm rẫy.

Nói đến giáo dục Mường Nhé các đồng nghiệp thường nhắc đến tên thầy Đồng Văn Cường. Từ Bắc Giang, thầy là một trong những giáo viên đầu tiên có mặt tại Mường Nhé khi địa phương này bắt đầu có trường tiểu học. Ngày đó, Mường Nhé vẫn còn là huyện miền núi chưa phổ cập tiểu học. Số giáo viên trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi người dân khắp các bản làng đều chỉ tập trung vào hai việc là làm nương và... đẻ, khái niệm học vẫn còn xa lạ. “Đi học thì có làm ra ngô, ra thóc không. Cái chữ tốt lắm nhưng bao nhiêu cái chữ thì bằng... một con trâu?”. Nhiều trưởng bản đã hỏi thầy Cường như vậy. Đó là chuyện ngày trước, còn giờ đây, dân bản đã biết quĩ cái chữ, thích cho con đi học để nó biết được cái chữ, để được làm cán bộ.

GD đã đơm hoa kết trái

Sự nghiệp giáo dục ở Mường Nhé trong những năm qua ngày càng phát triển và chất lượng được nâng cao dần . Bậc Tiểu học cơ bản đã ổn định, đã được công nhận chuẩn phổ cập THCS vào tháng 12/2008. Năm học trước toàn huyện có 45 đơn vị giáo dục từ mầm non đến THPT, TTGDTX. Trong đó 11 trường mầm non; 11 trường THCS; 02 trường THPT; 01 TTGDTX huyện, 01 trường PTDT nội trú, 19 trường tiểu học. Tổng số 810 lớp với 14.771 học sinh phổ thông; 190 lớp phổ cập với 2.394 học viên. Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp cấp tiểu học đạt 95%, chất lượng gỏi: 2%; khá 23%, trung bình 60%, yếu 15%. Khối THCS tỷ lệ huy động đạt 65,5%; chất lượng, giỏi 7,6%; khá 12%; trung bình 70,1%; yếu 10%, kém 0,26%. Hệ thống mạng lưới trường lớp đã cơ bản đã hoàn thiện ở các cấp học, ngành học; 100% xã có trường học mầm non, TH và THCS; các trường phổ thông có học sinh bán trú dân nuôi tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô tại các xã; 11 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã đã phát huy được vai trò. Nhiều em học sinh người dân tộc đã trưởng thành nhờ công lao của các thầy cô giáo cắm bản, của những giáo viên miền xuôi tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Người dân Mường Nhé hôm nay đều có chung một “tâm nguyện”: “Đi học thì quý lắm, gia đình đều muốn con em đi học cả”.



Huyện Mường Nhé có 249575.37 ha diện tích tự nhiên và gần 35.000 nhân khẩu, có 16 xã: Chà Cang, Pa Tần, Nà Hỳ, Nà Khoa, Nà Bủng, Chung Chải, Mường Nhé (trụ sở huyện lỵ), Mường Toong, Quảng Lâm, Nậm Kè, Sín Thầu, Nậm Vì, Na Cô Sa, Pá Mỳ, Sen Thượng, Leng Su Sìn.

Nguồn tin: Báo GD&TĐ Online

 Tags:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VĂN BẢN MỚI NHẤT
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách
6 tháng cuối năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách
quý IV năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai dự toán chi ngân sách năm 2024
của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố công khai điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố công khai bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2023 của trường THPT Chà Cang
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay14,411
  • Tháng hiện tại227,537
  • Tổng lượt truy cập14,724,943
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây