ĐBP - Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh cuộc vận động“Nói không với thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng, các tỉnh, thành khác trong cả nước nói chung, hầu hết các nhà trường đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng học tập bằng việc khoán trắng cho giáo viên.
Áp dụng theo chuẩn kiến thức kĩ năng tối thiểu của Bộ GD& ĐT, giáo viên vùng cao chịu áp lực rất nặng nề. Đối với vùng thấp, vùng thuận lợi phải đảm bảo tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong một lớp và các tỷ lệ khác, như: học sinh chuyển lớp, học sinh viết chữ đẹp, học sinh đạt các danh hiệu thi đua... Vùng sâu vùng xa đề cao tỷ lệ học sinh chuyển lớp, đạt chuẩn kiến thức kĩ năng tối thiểu... Thôi thì cứ tạm hiểu đó là đọc thông viết thạo, biết tính toán. Tưởng chừng yêu cầu như đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng thực tế thì, đó là một đòi hỏi không dễ thực hiện. Bởi với giáo dục vùng cao, duy trì số lượng học sinh là việc tỷ lệ thuận với việc nâng cao chất lượng.
Là giáo viên trẻ về tuổi đời, tuổi nghề chưa nhiều kinh nghiệm, tôi không dám bàn nhiều về những vấn đề lớn, chỉ xin chia sẻ về những áp lực xung quanh sự học ở vùng cao, với những mong, lãnh đạo ngành phần nào thấu hiểu áp lực đè nặng trên vai người giáo viên từ nhiều phía. Nhà trường khoán trắng tỷ lệ học sinh giỏi, khá cho giáo viên; phụ huynh vùng cao vừa muốn cho con đi học, nhưng khi cần lại vẫn lôi con về làm nương; rồi đến bản thân các em vì khả năng nhận thức hạn chế, lại không đi học chuyên cần nên không theo kịp chương trình... Ấy vậy mà, cuối năm mọi việc vẫn ổn cả, còn bằng cách nào xin cho tôi không phải nói ra. Bản thân cũng là một giáo viên, có cái tâm của người thầy, có tấm lòng của người mẹ, tôi vô cùng băn khoăn khi nghĩ đến tương lai của các em, nghĩ đến niềm tin của người dân về giáo dục...? Bởi nói đến giáo dục là nói đến một lộ trình hoàn hảo về phát triển nhận thức và nhân cách, đâu thể chắp vá!
Với bài viết này, tôi xin chia sẻ khó khăn cùng đồng nghiệp – những người đã và đang công tác trong ngành dù ở vùng thấp hay vùng cao. Và tôi cũng mong có thêm sự quan tâm, giúp đỡ từ phía gia đình, địa phương, của những nhà hảo tâm và mong có một lộ trình mới của nhà nước giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhọc nhằn; giúp các em học sinh vùng cao ấm dạ lúc đến trường, để đôi chân trần đêm về không còn buốt, còn tê.
Tác giả bài viết: Trần Việt (huyện Mường Chà)
Nguồn tin: Báo Điện Biên Phủ điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |