ĐBP - Mỗi lần đến với Mường Lay trong tôi đều mang tâm trạng, nỗi niềm về cái thị xã bé nhỏ và đặc biệt nhất trên dải chữ S này. Những ngày sắp sang xuân, nơi đây vẫn đang hối hả chạy đua với dòng nước của nhà máy thủy điện Sơn La trong cái bộn bề, ngập ngụa của những con đường bị băm nát thành từng ao bùn vây quanh thị xã. bởi những xe công trình.
Thao thức với Mường Lay
Đêm về nơi thị xã ngã ba sông này, tôi cứ thao thức, trằn trọc lắng nghe con nước vỗ về, từng cơn gió rít từ dãy núi Pú Huổi Luông cái lạnh ở đây như buốt hơn, để rồi cứ suy nghĩmãi về câu nói của Trưởng phòng GD - ĐT thị xã Trần Thị Hiếu: “Ở khắp thị xã này cứ mưa là lầy, nắng là bụi, nhưng các em học sinh vẫn rộn rã tiếng nói cười khi đến trường, người dân trên những con đường nhầy nhụa, không ai nhăn nhó, gặp nhau vẫn chào hỏi, nở nụ cười vì họ đã quen rồi, quen với nỗi khổ của những ai đã sống ở đây...” Những gì đã được nghe được thấy, chúng tôi càng thông cảm và ghi nhận tinh thần vượt khó do điều kiện cơ sở vật chất để đến trường của toàn thể học sinh các cấp và giáo viên.
Toàn ngành Giáo dục - Đào tạo thị xã hiện có 2.135 em, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 80%. Theo số liệu điều tra mới nhất thì có tới 100 em học sinh THCS, 186 học sinh Tiểu học và 105 cháu Mần non thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 80 em ở bản vùng cao được hỗ trợ cho học sinh nghèo ở các bản vùng cao thuộc diện 135/CP giai đoạn II; điều kiện hoàn cảnh khó khăn, nhưng học sinh rất hiếu học, sĩ số duy trì đạt 99,7%, tỷ lệ học sinh khá giỏi mỗi năm đều tăng. Sơ kết học kỳ I năm học 2010 – 2011, bậc học Tiểu học tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 4,3%, THCS tăng 2,3%, có 8 em đạt học sinh giỏi cấp thị xã và 2 em cấp tỉnh. Trong khi đó, toàn thị xã có 9 trường với 118 phòng học thì có 43 phòng học tạm, mượn, thậm chí có trường thiếu phòng học để thực hiện học một ca, phụ đạo học sinh yếu kém. 6/9 trường không có sân chơi, bãi tập, 8/9 trường thiếu phòng học chức năng. Toàn nghành có 293 CBGV thì 155 người chưa có chỗ ở, phải thuê nhà ở những bản xa hay mượn đất dựng lán xung quanh trường sinh hoạt hàng ngày. Trưởng phòng GD - ĐT, Trần Thị Hiếu nói với chúng tôi: Khó khăn chung chứ không riêng của ai, phải biết vượt lên chứ không thể chờ đợi.
Hành trình lên bản vùng cao
Muốn tìm hiểu sự học ở bản vùng cao Huổi Min, phường Sông Đà, chúng tôi có chuyến hành trình cùng thầy, cô đến điểm trường bản Huổi Min thuộc Trường Tiểu học - Mầm non Sông Đà. Con đường đất lên bản mới được ủi, mấy hôm nay trời mưa đường lầy lội, dốc ngược quanh co. Cô Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng trường Mần non Sông Đà cho biết: Bản Huổi Min rất khó khăn, vào mùa mưa phải đi bộ mất 1 tiếng. Bản 100% người Mông, đều thuộc diện đói nghèo, nhưng do “biên chế” ở cấp phường nên học sinh và giáo viên không được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Thầy cô ở điểm bản này cứ thay đổi nhau mỗi người lên dạy một năm, còn các em học sinh từ lớp 3 phải xuống trường trung tâm. Mọi chi phí học hành các gia đình phải hoàn toàn tự túc. Vất vả như vậy, nhưng không có em nào bỏ học.
Sau hơn một giờ leo dốc, chúng tôi mới đến được điểm bản Huổi Min. Vừa đến đầu bản, trẻ con đã ùa ra trong cái giá lạnh như cứa vào da thịt, vậy mà rất nhiều cháu chỉ phong phanh manh áo mỏng, đi chân đất đến trường. Cô Hà cho biết: Cả bản chỉ có 14 hộ với 84 nhân khẩu nhưng hàng năm cứ đến tháng 4 là nhà nào cũng đói cho đến tận tháng 8 thu hoạch ngô thì mới có cái để mà ăn. Nhiều nhà đông con, hiện có 5 cặp vợ chồng có trên 6 con nên hiện tại đã phải ăn ngô, ăn sắn. Học sinh ở bản tuy rất nghèo nhưng chăm học, không có em nào nghỉ học hay đi học muộn mà thầy cô phải vận động. Có nhiều em học rất tốt nhưng khổ nỗi sách vở thiếu, có khi 3 em phải học chung nhau một cuốn sách giáo khoa.
Tác giả bài viết: Kiên Cường
Nguồn tin: Báo Điện Biên Phủ điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |