Cả ban lãnh đạo đến trình diện đảm bảo cho tình yêu

Thứ ba - 11/12/2012 03:48
Với nhiệt huyết tuổi trẻ, anh cùng các đồng nghiệp hăm hở cõng từng con chữ lên với vùng cao Ngã Ba Chà, nơi hội tụ nhiều khó khăn của Mường Nhé, Điện Biên. Để rồi anh không chỉ nặng lòng với đất, trăn trở với sự học của đàn em thơ, mà còn nguyện gắn cả cuộc đời của mình với nơi đây khi phải lòng cô gái Thái đẹp hơn hoa ban rừng.
Thầy Tập cùng vợ và con trai
Thầy Tập cùng vợ và con trai
Người cõng chữ lên núi

Anh tên là Nguyễn Văn Tập – thầy giáo dạy văn trót nặng lòng với mảnh đất Ba Chà thiếu cơm ăn, nghèo tri thức. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học sư phạm Thái Nguyên năm 2008, mặc dù quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang nhưng anh có mặt trong đoàn sư phạm trẻ lên Điện Biên nhận công tác.

Ngôi trường anh trực tiếp giảng dạy là một trong những ngôi trường đặc biệt nhất nhì của tỉnh, bởi nó nằm giữa 2 huyện Mường Chà và Mường Nhé. Mọi người đặt cho tên gọi Ngã Ba Chà vì trường trong địa phận xã Chà Cang, huyện Mường Nhé và cửa ngõ xã Chà Tở, cuối xã Chà Nưa của huyện Mường Chà.

Khi mới đặt hành lý xuống nhận trường, bản thân anh là con trai còn không tránh được tiếng thở dài chứ đừng nói gì tới các đồng nghiệp nữ. Mặc dù trong tâm lý đã xác định trước, nhưng tận mắt nhìn thấy Ba Chà - “đệ nhất khốn khó Điện Biên” anh mới biết mình sẽ phải đối mặt với muôn vàn trắc trở.

Nơi đây bốn bề bao bọc núi non, tách biệt với các huyện phát triển, rau thịt đều khan hiếm do bà con sản xuất tự cung, ngay cả đến nước sinh hoạt cũng trở nên nan giải khi phải đi cả tiếng đồng hồ mới mang về được xô nước để dùng.

Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu “êm ả” đối với anh và những thầy cô giáo trẻ. Mắt bão của mọi khó khăn chính là ở học sinh! Vì trường mới, chịu trách nhiệm phát triển giáo dục cho 10 xã xa nhất, nghèo nhất, trình độ dân trí thấp nhất Điện Biên, nên thầy cô phải “đánh vật” với đói nghèo để “giành giật” học sinh.

Vượt cả hàng chục cây số đường rừng để tuyển sinh, ròng rã suốt mấy tháng trời để thuyết phục phụ huynh và các em đã là một vấn đề, nhưng làm sao để giữ các em đến lớp thường xuyên mới là điều quyết định.

Học sinh đã ít lại hay bỏ học để về nhà dựng vợ gả chồng do nếp sinh hoạt cũ của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhiều khi nản quá, anh cảm thấy bi quan, nhưng nghĩ lại mình là thế hệ trẻ còn không chịu được, thì đến bao giờ con chữ mới lên được vùng cao, nên anh lại càng quyết tâm hơn.

Ở Ngã Ba Chà nắng gió ấy, mỗi thầy cô không đơn giản chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà họ còn trở thành người cha, người mẹ, người anh, người chị chỉ bảo tận tình, sẻ chia cuộc sống thường nhật với từng học sinh.

“Nếu chúng tôi không gắn bó với các em, làm sao các em gắn bó với chúng tôi được”, anh Tập chia sẻ. Theo dự kiến ban đầu, tất cả các thầy cô giáo trẻ đều đi theo Chính sách của Nhà nước, khi đủ thời gian công tác có thể về xuôi.

Nhưng trong thâm tâm thầy giáo dạy Văn, anh không xa nơi này vì cảnh sắc và con người nơi đây đã “hóa tâm hồn” trong anh, nhất là hình ảnh một người con gái Thái đã in sâu trong tâm trí anh ngay buổi đầu gặp gỡ.

Tình yêu sét đánh và cách tỏ tình độc nhất vô nhị

Cô sinh ra ở Ba Chà, mở hàng may quần áo dân tộc ở ngay gần trụ sở UBND huyện ngày trước, thế rồi cái trụ sở ấy được bàn giao lại để mở trường cấp 3. Còn anh, khi tốt nghiệp với kết quả tốt, có thể xin việc ở những nơi phát triển, lại không chút đắn đo xách ba lô lên Ba Chà gõ đầu trẻ.

Anh cười mà rằng: “Đấy, cái đấy được gọi là duyên trời se. Nếu không thì vợ chồng tôi đâu gặp được nhau”.

Cô tên Lường Thị Minh, người con gái Thái từ khi sinh ra đã được đại ngàn chở che, chăm bẵm. Cô đẹp nức tiếng Ba Chà bởi mái tóc đen huyền nhờ gội đầu bằng nước lá rừng, nước da trắng ngần do con suối trong lành ôm ấp, thắt đáy lưng ong do siêng năng từ nhỏ.

Đặc biệt, cô dệt vải rất khéo, thêu thùa giỏi nên khi lớn lên quyết theo nghề may. Ngay buổi đầu gặp gỡ, nhìn thấy nét đẹp vừa rực rỡ như bông hoa rừng nhưng không kém phần bí ẩn của nét văn hóa Thái, anh thú thực mình đã bị hút hồn.

Ngày ngày lên lớp bận bịu với học sinh, anh không có nhiều thời gian để nghĩ cho mình. Nhưng đêm về, khi đồng nghiệp đã ngủ hết, chỉ còn mình anh thì hình ảnh thiếu nữ sơn cước quyến rũ, đẹp người, đẹp nết với gương mặt trái xoan lấm chấm mồ hôi, cặm cụi bên từng mảnh vải lại ùa về trong anh.

Làm quen với Minh thì dễ, vì đa số bà con vùng cao ai thấy thầy cô giáo cái bụng đều ưng, đều tiếp đãi chu đáo, nhiệt tình. Nhưng Minh đối với anh cũng chỉ là tình cảm như sự tri ân của người dân bản địa với thầy giáo cắm bản.

Anh đa cảm, lãng mạn nhưng nhút nhát, dằn vặt không biết phải làm sao để “người trong mộng” có thể hiểu rõ được tấm chân tình của mình. Anh lấy cớ tìm hiểu trang phục của các dân tộc có mặt trên địa bàn 10 xã để lui tới hàng may, nghe anh trình bày lý do thế, cô chủ xinh đẹp lại tường tận giới thiệu hết các loại trang phục cho anh.

Lần đầu tiên trong đời, thầy giáo trẻ cảm thấy việc trèo đèo lội suối đi 60km để vận động chỉ một em học sinh, việc đi gánh nước dù xa xôi đến đâu vẫn còn là điều dễ dàng hơn nhiều so với việc chinh phục “bông hoa Ba Chà”.

Suốt 1 năm trời anh cứ kiếm hết cớ này, cớ nọ để tiếp cận, để làm “xiêu lòng” đối tượng, nhưng đều không có tín hiệu đáng mừng. “Những ngày ấy tôi khổ tâm nhiều lắm, nếu lỡ mà nóng vội, nói năng hồ đồ có lẽ chẳng bao giờ tôi được cô ấy tiếp chuyện nữa ý chứ”, anh nhớ lại.

Anh cất công tìm hiểu cả nếp ăn nếp ở, phong tục tập quán của đồng bào Thái để có thể hòa hợp trong ứng xử với Minh. Bản thân Minh không phải người kén chọn, không vì mình có nhan sắc mà kiêu căng, cũng không phải ngây thơ không hiểu được nỗi lòng của anh.

Đẹp là thế, giỏi may vá là thế, nhưng ẩn sâu trong suy nghĩ của cô, mình chỉ là một cô gái lâu nay quen được núi rừng bao bọc, vẫn giữ nguyên nếp ăn mặc của dân tộc mình, trong khi anh từ miền xuôi lên, vừa dạy giỏi, vừa đẹp trai, quen biết bao nhiêu cô gái thị thành thì làm sao có thể yêu thương cô thật lòng?

Nên dù bản thân cũng thầm thương thầy giáo, nhưng tính tình kín đáo, nhã nhặn của người con gái Thái không cho cô dễ dàng tin vào mối tình sét đánh đó.

Biết được Minh chưa tin vào tình yêu của mình, sau nhiều lần tỏ tình vẫn bị từ chối, cuối cùng anh cũng nhận được cái gật đầu của cô. Nhưng đó là cả một hành trình dài, đến nỗi bây giờ những thế hệ thầy cô giáo, học sinh ở trường THPT Chà Cang và người dân Ba Chà mỗi khi nhắc lại vẫn cười nắc nẻ.

Bởi cha sinh mẹ đẻ họ chưa thấy ai tỏ tình mà phải đưa cả ban lãnh đạo xuống trình diện cô gái, làm chứng và đảm bảo rằng: tình yêu thầy giáo dành cho cô là thật, anh ấy không yêu ai khác.

Để thuyết phục được ban lãnh đạo đồng ý, anh lấy hết can đảm trình bày với đoàn thể sự trắc trở trong tình yêu của mình: “Chỉ có các anh chị đồng ý giúp em thì may ra cô ấy tin vào tình yêu của em”.

Duyên thắm giữa rừng

Ở giữa Ba Chà, toàn thể thầy cô giáo từ lãnh đạo cho tới nhân viên không chỉ xem nhau là đồng nghiệp, mà còn là những người anh em ruột thịt chung chí hướng với nhau.

Cho nên khi nghe tâm nguyện của thầy Tập, tất cả các thầy cô cười chảy cả nước mắt, phần vì chuyện đưa lãnh đạo đi tỏ tình chưa hề có tiền lệ, phần vì cảm kích tình yêu của thầy. Thế rồi lãnh đạo trường THPT Chà Cang gật đầu tán thành làm chứng tình yêu cho anh.

Lần này không được chấp nhận lời tỏ tình nữa thì anh đành chịu, vì anh xem như đã hết nước cờ. Trước lời tỏ tình chân thành, cùng những “nhân chứng sống” anh đưa tới khiến Minh phải suy nghĩ lại.

Đã hơn 1 năm thầy giáo qua lại với mình, hơn 1 lần tỏ tình thất bại nhưng vẫn không nản chí, còn có đoàn thể “đảm bảo” nữa… Cuối cùng Minh gật đầu e lệ ưng thuận.

Anh như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, rưng rưng cám ơn các thầy cô trong ban Lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp. Giữa năm 2009 hôn lễ được tổ chức trong niềm vui mừng khôn xiết của mọi người. Đám cưới ấy không chỉ là niềm vui của anh và Minh, mà còn là niềm vui của bà con, của học sinh 10 xã nghèo vùng Ba Chà.

Do đường xá xa xôi, nhà trai chỉ đại diện lên được vài người. Khi bố mẹ chồng nhìn thấy nàng dâu thì vui mừng khôn xiết. Vì hơn ai hết, họ biết nỗi lo rừng thiêng nước độc ảnh hưởng tới sức khỏe con trai đã tiêu tan, vì từ nay anh sẽ có người vợ đảm đang chăm sóc, bầu bạn.

Cặp trai tài gái sắc của Ba Chà giờ đã chuyển về sinh hoạt trong căn nhà gỗ nhỏ nằm nép mình bên sườn núi yên bình – nơi có khu tập thể dành cho các cán bộ giáo viên nhà trường.

Hoàn thành tâm nguyện xây dựng gia đình, anh yên tâm tập trung công tác. Những câu văn, vần thơ của thầy Tập trở nên xúc cảm, bay bổng hơn bao giờ hết. Cùng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo khác, giờ đây sự học ở Ba Chà đã thực sự khởi sắc.

Trên miền đất khó ấy, hạnh phúc dường như đã nở hoa, nhất là khi chiều về tại những dãy nhà nhỏ ven núi tiếng trẻ bi bô không ngừng, trong đó có cả tiếng con trai của Tập và Minh. Anh gật đầu nói khẽ: “Trên núi đá nếu quyết tâm tôi tin sẽ vẫn có những mùa quả ngọt”.

 Tags: , , , , , , , ,

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VĂN BẢN MỚI NHẤT
THỰC ĐƠN SUẤT ĂN HÀNG NGÀY CUNG CẤP CHO HỌC SINH NĂM HỌC 2024 - 2025
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách quý II năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Thông báo V/v xét tuyển nguyện vọng 2 vào lớp 10 năm học 2024 - 2025
THỂ LỆ cuộc thi ảnh quảng bá văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên năm 2024
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay19,368
  • Tháng hiện tại270,464
  • Tổng lượt truy cập16,951,683
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây