(THPTCC) Hành trình "Hạ sơn" của các thầy cô giáo vùng cao
Thứ ba - 05/02/2013 04:53
Bến xe Mường Nhé những ngày giáp tết đông hơn rất nhiều so với những ngày bình thường. Trong số những hành khách bộn bề với những hành lí về quê ăn tết, không thể lẫn được đó là những thầy cô giáo đang công tác tại huyện Mường Nhé xa xôi của tỉnh Điện Biên. Chuyến xe Mường Nhé - Điện Biên hôm nay thật đặc biệt phần lớn hành khách là những thầy cô giáo. Những câu chuyện cảm động của họ khiến quãng đường về xuôi đằng đẵng của tôi như gần lại:
Câu chuyện được phát trên kênh VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 28,29 Tết Quý Tỵ
- Thầy lên đây dạy học được mấy năm rồi? - Về quê ăn tết có mang gì về làm quà cho các cụ không ạ? - Một ít măng khô. - Trường cậu có được nhận hai tháng lương không? Có được thưởng tết không? - Có ai xin nghỉ thêm được vài ngày nữa không? - Đến Điện Biên mọi người còn về đâu nữa không? Những lời hỏi han qua lại khiến ai nấy đều chộn rộn mong chuyến xe sớm về xuôi. Trò chuyện với các thầy cô tôi càng hiểu rõ hơn những vất vả của các thầy cô giáo vùng cao mỗi dịp tết đến, xuân về. Có cô giáo tâm sự: Em dạy học ở xã Nà Bủng, xã xa nhất của huyện Mường Nhé, vợ chồng em lại mỗi người một quê nên phải đến thăm ông bà, bố mẹ của hai bên mà lương giáo viên thì anh biết rồi đấy “ ba cọc, ba đồng” để có tiền về quê vợ chồng em phải tiết kiệm chi tiêu mấy tháng trời. Tôi hỏi “Sao bảo lương giáo viên vùng cao cao lắm cơ mà?” Cô giáo cho biết: Ai cũng nghĩ vậy nhưng giá cả mọi thứ đắt đỏ, chúng em chẳng tiết kiệm được là bao, đã vậy thỉnh thoảng vợ chồng con cái lại ốm đau mà điều kiện y tế ở đây không đảm bảo chúng em lại phải ra tận Điện Biên rất tốn kém. Vì vậy chúng em cũng phải xin phép bố mẹ hai bên hai năm mới về quê một lần, chứ năm nào cũng về thì chúng con “ chết” mất. Tôi biết câu chuyện của cô giáo ở xã Nà Bủng cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều thầy cô giáo vùng cao. Dạy học xa quê, đi lại khó khăn nên có những chuyện vừa thương vừa phải bật cười. Một cô giáo cũng ở Mường Nhé chia sẻ: Đang nói chuyện thế này thôi chứ em say bất cứ lúc nao không biết. Nghỉ tết về đến nhà chưa kịp hoàn hồn thì đã phải lên trường, cứ nghĩ đến phải ngồi trên xe khách mà em thấy sợ. Em chỉ mong nhà trường tạo điều kiện cho những giáo viên xa nhà như chúng em có thêm vài ngày nghỉ trong dịp tết sau này chúng em sẽ dạy bù thì tốt biết mấy. Câu chuyện của chúng tôi còn dang dở thì cô giáo đã say xe mất rồi, quãng đường còn lại vài trăm cây số không biết về quê có đủ sức khỏe để mà ăn tết. Ngồi cạnh tôi là một thầy giáo trẻ chưa lập gia đình. Nãy giờ thầy cữ nhấp nhổm chỉ sợ hỏng mất giò phong lan đẹp. Thầy tâm sự: giò phong lan này là do em đích thân vào rừng tìm được, em mang nó về là để tặng người yêu của em hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. Khi tôi hỏi thầy: Lên tận Mường Nhé dạy học chắc thầy nhớ người yêu lằm nhỉ? Thay cho câu trả lời thầy vui vẻ khoe: “Tết này về thăm quê em sẽ thuyết phục bố mẹ đồng ý cho người yêu em lên đây dạy học cùng với em”. Nghe câu chuyện của thầy tôi thấy vui vui, vẫn có nhiều những thầy cô giáo sẵn sàng vượt núi, băng đèo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Mải chuyện quên cả thời gian xe đã đến Điện Biên từ lúc nào, các thầy cô giáo chia tay nhau để rồi lại tiếp tục một hành trình về xuôi ăn tết. Chúng tôi xin được gọi đó là hành trình “ hạ sơn”, một hành trình vất vả chẳng kém gì chuyện gieo chữ của các thầy cô. Xin chúc các thầy cô thượng lộ bình an, có một cái tết thật đầm ấm, hạnh phúc bên những người thân yêu sau những tháng năm biệt biệt xa nhà vì sự nghiệp trồng người.
Tặng các thầy cô giáo đang công tác tại huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên
Chà Cang những ngày giáp Tết Nguyễn Văn Tập, THPT Chà Cang