(THPTCC) Diễn văn Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2012)
Thứ hai - 19/11/2012 06:24
Sáng 19.11.2012, trường THPT Chà Cang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2012). Dưới đây là Diễn văn kỷ niệm được trình bày tại buổi Lễ.
Kính thưa Quý vị đại biểu! Kính thưa các thầy giáo,cô giáo cùng các em học sinh thân mến
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt nam 20/11/1982-20/11/2012, thay mặt BGH, CĐ, ĐTN tôi xin được gửi tới quý vị đại biểu cùng toàn thể các thầy giáo,cô giáo, các em học sinh lời chúc sức khoẻ lời chào trân trọng nhất.
Kính thưa quí vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em học sinh!
Dân tộc ta vốn có truyền thống “ Tôn sư trọng đạo” “ Uống nước nhớ nguồn” truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lí cao cả thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày thể hiện đạo lí ngàn năm ấy.Vì thế đã từ lâu 20/11 không chỉ là ngày lễ riêng của ngành giáo dục mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội. Đây là ngày hội quan trọng nhằm tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo - những người làm công tác giáo dục đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với những “kĩ sư tâm hồn” biểu thị truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ta.
Trong ngày vui này cùng với cả nước, các thày giáo cô giáo và toàn thể các em học sinh Trường THPT Chà Cang lại có dịp cùng nhau tìm về cội nguồn xưa để ôn lại những gì mà cha ông ta đã tạo dựng.
Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp), lấy tên là FISE - Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục. Năm 1949, tại Hội nghị Vacsava (thủ đô Ba Lan), tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Ngày 22/7/1951, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thành lập. Sau một thời gian ngắn, năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên của FISE và được mời dự hội nghị của FISE ở Vienne (thủ đô Áo). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh, đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Từ 26 đến 30/08/1957, Hội nghị FISE đã diễn ra tại thủ đô Vacsava với sự tham dự của 57 nước, trong đó có Việt Nam. Hội nghị đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Ngày 20/11/1958, Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Những năm sau đó, ngày này được tổ chức ở các vùng giải phóng miền Nam. Vào dịp kỷ niệm 20/11 hàng năm, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em giáo viên kháng chiến.
Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà giáo Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của các nhà giáo Việt Nam. Ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 làm "Ngày nhà giáo Việt Nam". Nội dung Quyết định có những điều khoản như sau: Điều 1: Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 - 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam Điều 2: Để ngày Nhà giáo Việt Nam có ý nghĩa thiết thực hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình. Điều 3: Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Uỷ ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp của ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh. Điều 4: Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các hoạt động của nhà trường và của địa phương. Ngày 20 tháng 11 năm 1982, cách đây đúng 30 năm, là Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta, và từ đó đến nay, đây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng với thầy giáo, cô giáo.
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa toàn thể các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Hôm nay trong không khí tưng bừng phấn khởi của cả nước chào đón ngày hội truyền thống các nhà giáo Việt Nam, niềm vui đó như được nhân lên gấp bội khi đất nước, con người Việt Nam đã có được một vị thế nhất định trên trường quốc tế, niềm vui ấy càng được nhân lên khi ngành giáo dục với cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có những kết quả đáng kể. Để lại trong công chúng và xã hội những chuyển biến sâu sắc về cách nghĩ, cách làm mới của ngành giáo dục.
Trong đợt thi đua vừa qua đã có những điển hình trong phong trào thi đua 2 tốt và các hoạt động giáo dục: không ngừng học tập rèn luyện, miệt mài với công tác chuyên môn như : Thầy Nguyễn Văn Tập, thầy Phạm Xuân Chính, thầy Lê Quốc Khánh, cô giáo Hoàng Minh Phượng cô giáo Hoàng Thị Huệ, cô giáo Phạm Thị Thủy, thầy giáo Phạm Văn Nguyên, thầy giáo Phạm Văn Toản ...Nhiều thầy cô đặc biệt quan tâm đến học sinh, nhiệt tình, tận tụy với phong trào của lớp. Miệt mài trong công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi như thầy Phạm Xuân Chính, thầy Lê Quốc Khánh, cô giáo Hoàng Minh Phượng, cô giáo Hoàng Thị Huệ luôn luôn trăn trở với phong trào bề nổi như thầy Bùi Văn Ịu, Dương Mạnh Quân, cô giáo Nông Thị Tâm, Hoàng Minh Phượng, thầy giáo Vương Văn Quyết, thầy giáo Lèng Văn Hùng … và còn rất nhiều rất nhiều những đóng góp thầm lặng của các thầy các cô trong nhà trường.
Năm học 2012-2013 với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Tiếp tục triển khai cuộc vận động ” Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Hai không” , cuộc vận động ” Mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo”. Chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên và CBQL. Tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý chỉ đạo và đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao thực chất chất lượng giáo dục. Phong trào xây dựng”Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với tất cả ý nghĩa và tinh thần đó và đặc biệt hơn nữa những yêu cầu của đất nước và XH đối với sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ đổi mới (thời kỳ CNH – HĐH đất nước) đòi hỏi mỗi nhà giáo chúng ta tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống cao quý tốt đẹp của nhà giáo. Tiếp tục tô thắm những truyền thống ấy bằng tất cả nhiệt huyết phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực nghiệp vụ vững vàng và lòng tận tâm nghề nghiệp để hoàn thành trọng trách cao quý mà Đảng, nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy cô giáo! Các em học sinh thân mến!
Năm học 2012-2013 là năm học đầy thử thách với nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất tự hào đã phần nào khẳng định được vị trí của mình. Năm học 2011-2012, toàn trường đã đạt được những thành tích đáng kể. Tập thể nhà trường được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, 3 tập thể tổ chuyên môn đều đạt danh hiệu LĐTT, 10 cá nhân được công nhận là CSTĐ cấp cơ sở, 5 cá nhân được Giám đốc Sở giáo dục Đào tạo Điện Biên tặng giấy khen, 3 cá nhân được UBND huyện Mường Nhé tặng giấy khen, 19 thầy cô giáo được công nhận là LĐTT; đạt 12 giải học sinh giỏi các môn văn hóa trong đó có 1 giải nhì, 4 giải ba và 7 giải khuyến khích; tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98,7% vượt trên mặt bằng của tỉnh; Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học tự làm đạt giải khuyến khích toàn đoàn trong đó có 3 giải ba, 1 giải khuyến khích, có 4 SP xếp loại A, 4 SP xếp loại B; các phong trào thể dục thể thao tham gia nhiệt tình có chất lượng đạt 6 giải Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh trong đó có 2 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải Khuyến khích; số giáo viên tham gia viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm được Sở Giáo dục xếp loại từ B trở lên 10 đồng chí; 1 giải khuyến khích cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning; giải khuyến khích toàn đoàn hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhà trường có một website là 1 trong những website thuộc ngành giáo dục được xây dựng đầu tiên tại Điện Biên và hiện tại được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động. Ở kỳ thi Đại học vừa qua, qua thống kê của Phòng KT và QLCLGD Sở GD&ĐT, các thí sinh dự thi Đại học của trường THPT Chà Cang đạt điểm trung bình đứng thứ 8 trên 36 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT, chỉ sau trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, THPT Thành phố và một số trường PTDT nội trú, đặc biệt có 1 học sinh đạt 19 điểm, gần cao nhất tỉnh, có 1 em đỗ đại học với 18 điểm.
Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 30 ngày nhà giáo Việt Nam, nhà trường vinh dự được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho tập thể trường và 3 giấy khen cho 3 cá nhân xuất sắc nhất. Đồng thời UBND tỉnh Điện Biên tặng bằng khen cho 1 cá nhân. Trước đó UBND huyện Mường Nhé tặng Giấy khen cho 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua kỷ niệm 10 năm thành lập huyện (20/10/2002-20/10/2012).
Có được những thành tích phấn khởi nêu trên trước hết chính là nhờ sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực khắc phục khó khăn của thầy và trò trường THPT Chà Cang, là nhờ sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ các thầy cô giáo. Đó đồng thời còn là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Sở GD&ĐT Điện Biên, huyện Ủy - HĐND - UBND huyện Mường Nhé, của chi bộ Đảng, sự phối hợp có hiệu quả với các tổ chức đoàn thể và Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, của các xã trong khu vực. Đầu năm học, nhà trường nhận được sự hỗ trợ rất quý báu của các xã trong việc tu sửa nhà ở KTX cho học sinh, tiêu biểu là các xã Chà Nưa, Chà Tở và Pa Tần rất tích cực và có trách nhiệm ủng hộ ván gỗ làm nhà nội trú cho học sinh. Phòng khám Quân y Ba Chà đã phối hợp với y tế nhà trường chăm sóc sức khỏe cho tất cả các học sinh trong toàn trường. Các trường trong khu vực cũng cùng chia sẻ cơ sở vật chất là phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. Chi nhánh điện xã Chà Cang sẵn sàng giúp đỡ nhà trường nâng cấp sửa chữa các hệ thống điện. Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tặng 4.000.000 đồng góp vào Quỹ học bổng dành cho các học sinh khó khăn nhưng vẫn học tập và rèn luyện tốt. Đây là sự quan tâm hết sức quý báu của chính quyền các xã, các cơ quan ban ngành, đơn vị kết nghĩa trong khi trường THPT Chà Cang còn cần tập trung ngân sách cho các vấn đề khác. Nhà trường rất biết ơn mọi sự ủng hộ tốt đẹp đó.
Nhà trường đã tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chú trọng nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể so với năm học trước. Các hoạt động TDTT, VHVN được duy trì. Các hoạt động ôn thi chọn HSG, ôn thi tốt nghiệp được đẩy mạnh. Nhiều thầy cô giáo được tôn vinh là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nhiều học sinh có cố gắng vượt bậc. Chúng ta có thể tự hào với những thành tích trong đợt thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cuối cùng, cho phép tôi thay mặt cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị đại biểu đã đến dự và chia vui ngày hội truyền thống cùng các thầy cô giáo. Xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, an khang hạnh phúc , chúc các em học sinh chăm ngoan , học hành tiến bộ và đặc biệt: Chúc các thầy giáo, cô giáo luôn có sức khỏe dồi dào, một tâm thế vững vàng, một hành trang đầy đủ tiếp tục vững bước trên con đường phát triển với niềm tin và tràn đầy thắng lợi ./.