Lý do Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án vì đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ để khắc phục những thiếu sót của chương trình hiện hành, mà phải từng bước khai thác, lựa chọn, vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm đáp ứng “nhu cầu phát triển của xã hội” trong giai đoạn mới.
Dự thảo của Bộ GD-ĐT về kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông dự kiến 70.000 tỷ đồng, huy động từ các nguồn kinh phí triển khai các hoạt động hằng năm được Nhà nước phân bổ trong tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo và giao cho Bộ GD-ĐT quản lý; kinh phí phục vụ các hoạt động quản lý, chỉ đạo việc triển khai Đề án của Bộ GD- ĐT được trích từ kinh phí sự nghiệp hằng năm của ngành và nguồn hỗ trợ từ các nguồn kinh phí ngân sách của địa phương, của các dự án vốn vay, dự án viện trợ không hoàn lại, từ các nguồn xã hội hoá giáo dục trong việc cung cấp trang thiết bị cho các cấp học, trình độ đào tạo và các nguồn kinh phí khác…
Theo tiến sĩVũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT,trong dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông có dự toán kinh phí 70 ngàn tỉ đồng, nhưng không phải tất cả số tiền đó chi cho việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa, mà việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa chỉ dự kiến chi là hơn 960 tỉ; số còn lại chi cho các công việc khác như: Xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 ngàn tỉ đồng; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 ngàn tỉ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí hơn 390 tỉ đồng… Đây cũng chỉ mới là khái toán trong một bản dự thảo Đề án để xin ý kiến các Bộ, Ngành.
Quá lãng phí!
Sau khi dự thảo Đề án này của Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, nhiều nhà giáo dục có uy tín đã đưa ra nhiều ý kiến gay gắt “mổ xẻ” phân tích về lợi ích của Đề án.
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào là một trong những nhà khoa học đầu tiên được Bộ GD-ĐT mời đóng góp ý kiến vào Đề án này, ông cho rằng: “Đề án này có quá nhiều điểm chưa được, cũng không thể thuyết phục được dư luận vì có những việc cơ bản để làm tiền đề thì chưa thấy bàn đến. Ví dụ: Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 chưa có, quan điểm triết lý giáo dục chưa có, hệ thống giáo dục thế nào, phổ thông 11 hay 12 năm, tiểu học 5 năm hay 6 năm, có những môn học gì, chuẩn kiến thức kỹ năng chưa có. Nói cách khác, nó là “nửa vời” ở khúc giữa, chơi vơi. Tôi không coi nó như một Đề án tầm cỡ trọng điểm quốc gia, mà chỉ coi như một bản nháp, bản thảo. Chắc Bộ GD- ĐT sẽ khó chấp nhận, lại càng không thể trình lên Chính phủ, Quốc hội được.
Chứng minh cho sự “nửa vời” này, PGS Nguyễn Kế Hào đưa ra ví dụ 35.000 tỷ đồng sẽ xây bao nhiêu trường, bao nhiêu tiền cho mỗi trường. Nhưng thực tế chúng ta đã, đang xóá trường học tranh tre nứa lá bằng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, nên tôi thấy không cần thiết. Trong Đề án còn đề cập tới khoản tiền vài ngàn tỷ để mua thiết bị giáo dục mới, nhưng thực tế hiện nay thiết bị vẫn đang đắp chiếu, hỏng hóc, lãng phí kinh khủng. Nếu lại lặp lại một trào lưu mua sắm thiết bị dạy học mới, tôi e là học sinh, giáo viên chẳng được lợi ích bao nhiêu, mà tiền Nhà nước bị lãng phí nghiêm trọng".
Về việc viết và thiết kế lại chương trình, sách giáo khoa như dự thảo đưa ra, PGS Nguyễn Kế Hào đề nghị: “Ít nhất phải 10 năm mới tính đến chuyện thiết kế lại chương trình. Bởi vì ở nhiều nước tiên tiến, có khi mấy chục năm họ mới tổ chức viết lại sách vì sách của họ rất cơ bản, lại có tính liên thông bền vững giữa các cấp học. Theo tôi, thay vì việc viết lại, in lại sách thì nên sửa chữa, hiệu đính lại một số nội dung bằng những tờ in bổ sung. Nhiều nhà khoa học của Việt Nam chỉ học phổ thông 9 năm, đại học học 2 năm với một bộ sách từ thời chiến tranh và họ đã trở thành nhà khoa học đầu ngành”.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng việc sửa lại bộ sách hiện nay là không thể, vì bản thân nó đã quá nặng, ngôn từ chắp vá, giờ sửa kiểu gì. "Không sửa được thì phải viết lại. Chúng ta phải bỏ chương trình phân ban hiện nay, để cả nước chỉ có 1 chương trình thôi, cần phải bỏ cả cách làm sách cắt khúc, cuốn chiếu như vừa qua đi. Trên thực tế, một chương trình thống nhất chỉ có 2, 3 kiểu viết sách khác nhau, chúng ta sẽ chọn 1 bộ SGK đơn giản nhất để triển khai toàn quốc. Nhưng theo tôi, Quốc hội phải quyết định, sau khi SGK mới ra đời phải dùng ít nhất 15 năm mới được in lạ. SGK và chương trình cần phải ổn định, không thể cứ nay thay sách, mai thay sách được, như thế lãng phí vô cùng”.
Giai đoạn I của Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông (2011 - 2013) dự kiến là 622 tỷ đồng, giai đoạn II ( 2014 - 2016) là 32.644 tỷ đồng; giai đoạn III (2017 - 2019) là 36.346 tỷ đồng và giai đoạn IV là 370 tỷ đồng. |
Tác giả bài viết: Hồng Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |