Hỏi đáp về điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải

Chủ nhật - 21/08/2011 07:23
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo tài liệu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học cấp tiểu học, THCS, THPT theo hướng tinh giảm nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế. Ban biên tập website xin giới thiệu một số câu hỏi và giải đáp về việc này ( nguồn tin từ Báo Giáo dục và thời đại điện tử).

1. Mục đích của việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ở trường phổ thông?

Trả lời: Việc điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giảm để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Tạo điều kiện học sinh (HS) tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình (CT) thuận lợi hơn và GV có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), đổi mới kiểm tra đánh giá (KTĐG) hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho HS theo yêu cầu của CT giáo dục phổ thông. 

2. Nguyên tắc của việc điều chỉnh nội dung dạy học?

Trả lời: Việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đã quán triệt các nguyên tắc sau đây:

(1). Đảm bảo mục tiêu giáo dục của CT, sách giáo khoa (SGK) theo qui định của Luật Giáo dục.

(2). Đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của CT, SGK; đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các bộ môn. 

(3). Không thay đổi thời lượng dạy học đối với mỗi môn học trong một lớp và trong mỗi cấp học;

(4). Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục, cho việc giảng dạy của GV và học tập của HS.

3. Qui trình của việc xây dựng Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Để xây dựng một danh mục các nội dung cần điều chỉnh theo hướng tinh giảm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã triển khai thực hiện một qui trình chặt chẽ:

Bước 1: Tổ chức nhóm gồm chuyên viên phụ trách môn học của Bộ, đại diện tác giả CT, SGK, cán bộ nghiên cứu giáo dục, đại diện GV trực tiếp giảng dạy ở một số cơ sở giáo dục. Các nhóm này trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng CT, SGK, chỉ đạo chuyên môn và dạy học trong những năm qua, tập hợp các kiến nghị về những nội dung cần giảm tải do GV và các cơ sở giáo dục trong cả nước gửi về; tiếp thu ý kiến từ các đợt đánh giá định kì CT, SGK những năm trước và tham khảo ý kiến các chuyên gia để dự thảo, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh của môn học.

Bước 2: Thành lập các tiểu ban điều chỉnh CT, SGK của môn học (bao gồm các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả CT, tác giả SGK, GV cốt cán, chuyên viên chỉ đạo của các cấp quản lí giáo dục). Các tiểu ban này đã họp tập trung để tổ chức đọc, rà soát nội dung dạy học từng môn học ở các trường phổ thông, từ đó hoàn chỉnh một dự thảo báo cáo những nội dung cần điều chỉnh của môn học.

Các dự thảo báo cáo này lại được các tiểu ban họp liên môn để đối chiếu giữa các môn học liên quan, giữa các cấp học để nội dung điều chỉnh không bị trùng lặp hoặc bỏ sót. Trên cơ sở báo cáo đó, các tiểu ban đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cho từng môn học, từng cấp học theo hướng tinh giảm.

Bước 3: Các Dự thảo hướng dẫn của từng môn học được đưa lên website của Bộ GDĐT để xin ý kiến rộng rãi các cán bộ quản lý, chuyên viên chỉ đạo, GV ở các địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông, các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vấn đề này.

Bước 4: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các cán bộ quản lý, chuyên viên chỉ đạo, GV ở các Sở, phòng GDĐT và cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện và ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cho từng môn học, từng cấp học theo hướng tinh giảm gửi về các địa phương, cơ sở để triển khai thực hiện.

Như vậy, việc rà soát CT, SGK và xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải được thực hiện theo một qui trình đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. 

 

4. Các nội dung kiến thức cần điều chỉnh, tinh giảm:

Trả lời: Việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính:

(1) Nhóm thứ nhất là giảm tải những kiến thức được viết trong CT-SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Chẳng hạn như: Cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp (chủ yếu ở cấp THCS và THPT). Ví dụ: Bài 6: mục IV. Trạng thái của chất (trang 24 SGK hóa học lớp 8 THCS) đã được học ở môn Vật Lý THCS; Bài 11. Mục I: Những nhu cầu của cây trồng (trang 37 SGK hóa học lớp 9 THCS) đã được học ở môn Sinh THCS;…

(2) Nhóm thứ hai là giảm tải thứ hai là những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dưng CT, SGK theo quan điểm đồng tâm. Ví dụ: Mục I. Ôn tập hàm số bậc nhất và mục II. Hàm số hằng y = b của §2. Hàm số y = ax + b (Tr. 39-41), Chương II. Hàm số bậc nhất và bậc hai,  Toán lớp 10 sẽ Không dạy vì HS đã học ở §2 §3 (tr 46-51), Chương II, Đại số lớp 9.

(3) Nhóm thứ ba là giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ: Trong ở cấp Tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức ; Ở môn Địa lý lớp 6 Bài 18. Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí, câu hỏi 2. Tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa? Câu hỏi này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với HS lớp 6 và nội dung của bài không đủ kiến thức để trả lời.

(4) Nhóm thứ tư là rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh hay kĩ thuật thuỷ canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng.

(5) Nhóm thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Điều này rõ nhất ở môn Mĩ thuật cấp THCS. Ví dụ: Bài “Mỹ thuật thời Trần” của lớp 7 và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để GV và HS thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.

5. Những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học?

Trả lời:

Về thuận lợi

(1) Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết năm học 2010 – 2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 tổ chức vào ngày 16/7/2011 tại Đồng Tháp.

(2) Được sự đồng thuận, ủng hộ của các thành viên xây dựng CT, các tác giả SGK, các nhà khoa học và xã hội và đông đảo GV, HS và cha mẹ học sinh.

(3) Bộ GDĐT đã tổ chức 3 đợt đánh giá CT, SGK nên thuận lợi cho việc phát hiện những vấn đề tồn tại của CT, SGK và chọn nội dung giảm tải.

Về khó khăn

Có thể trong năm đầu, do GV và HS mới làm quen với tài liệu hướng dẫn nên việc triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ sở giáo dục sẽ có những khó khăn ban đầu. Khó khăn này có thể được khắc phục sau một thời gian thực hiện.

6. Vì sao năm nay Bộ GDĐT lại triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải một cách mạnh mẽ hơn

Trả lời: Vấn đề quá tải có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: Thời gian dạy học ít nhưng lượng kiến thức đòi hỏi phải trang bị cho các em rất lớn; CT, SGK chúng ta viết tương đương trình độ các nước tiến tiến thế giới nhưng ở các nước đó học sinh đều học 2 buổi/ngày, số HS/lớp ít, số GV/HS thấp, trong khi điều kiện KTXH nước ta mới chỉ đáp ứng một bộ phận không nhiều HS được học 2 buổi/ngày. Điều kiện trang thiết bị dạy học của chúng ta cũng chưa đầy đủ. Đội ngũ giáo viên tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn hạn chế nên việc đổi mới PPDH theo hướng tích cực, hiệu quả nên cũng không thể ngày một ngày hai có kết quả ngay được... Bên cạnh đó, do SGK là tài liệu cụ thể hóa các yêu cầu của CT, GV sử dụng trực tiếp để dạy, HS sử dụng để học, nên có tâm lí khá phổ biến là những vấn đề được viết trong SGK thì GV và HS cần phải được dạy và học hết, từ đó cũng tạo nên sự quá tải về nội dung dạy học.

Việc rà soát CT-SGK để nâng cao chất lượng dạy học đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là từ sau các đợt đánh giá chương trình và SGK năm 2005 và năm 2008. Tháng 5/2008, Bộ GDĐT đã tổ chức để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở 64 tỉnh, thành phố và một số tổ chức xã hội (Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam…) đánh giá một cách toàn diện chương trình, sách giáo khoa ở tất cả các môn học và tất cả các lớp học. Năm 2009, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức hội nghị Đánh giá 3 năm thực hiện CT-SGK cấp THPT và Hội đồng bộ môn đọc đánh giá SGK THPT. Trên cơ sở việc rà soát CT-SGK, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai một số giải pháp để điều chỉnh nội dung nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục.

Trong năm học này, chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị và tập hợp ý kiến, trí tuệ, tâm huyết của toàn ngành nên có thể thực hiện giảm tải một cách mạnh mẽ hơn bằng việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm.

7. Việc giảm tải có làm phá vỡ tính chỉnh thể của CT, SGK hiện hành không?

Trả lời: Một trong các nguyên tắc của việc giảm tải được quán triệt là đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của CT, SGK và không thay đổi CT, SGK hiện hành. Chúng ta không “cắt” nội dung, CT dạy học một cách cơ học mà tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học, chỉ “cắt” những phần không hợp lý trên cơ cở vẫn đảm bảo giữ được mạch của CT, tính lô gích của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn.

8. Bộ đã hướng dẫn GV dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của CT, nay lại hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học trong SGK như thế có hợp lý không?

Trả lời: SGK là văn bản cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông và là tài liệu chính để GV giảng dạy và HS học tập. Để khắc phục những tồn tại của SGK và giúp GV quen với việc thực hiện CT, Bộ GDĐT đã ban hành tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng của CT giáo dục phổ thông. Tài liệu này giúp cho việc chỉ đạo và thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng được thuận lợi, hạn chế tình trạng dạy học quá tải; tạo điều kiện để tổ chức kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học trong SGK lần này bám sát với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong CT mỗi môn học, nên hoàn toàn hợp lý.

9. GV phải làm như thế nào đối với phần nội dung giảm tải? GV và HS có cần mua SGK khác hay không?

Trả lời: Trong tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, đối với mỗi môn học đã được hướng dẫn rất cụ thể việc thực hiện điều chỉnh. GV chỉ cần nghiên cứu kĩ và thực hiện đúng các hướng dẫn này trong khi dạy học và hướng dẫn HS đánh dấu những bài, những phần không yêu cầu phải học, phải làm, những phần cần điều chỉnh trong SGK là có thể áp dụng dễ dàng. Như vậy, GV và HS không phải mua SGK khác để giảng dạy và học tập trong năm học này.

10. Những nội dung cắt giảm thì có thi và kiểm tra không?

Trả lời: Trong tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học đã ghi rất rõ: Đối với các bài, các phần không dạy thì không ra bài tập và không kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập của HS vào những nội dung được hướng dẫn là ”không dạy” hoặc ”đọc thêm”. Vì vậy, các cấp quản lý, GV và HS không phải băn khoăn về điều này.

11. Việc giảm tải sẽ mang lại những tác động gì trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục?

Trả lời:Việc giảm tải lần này sẽ mang lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được sự khó khăn cho HS bởi thời gian học tập ít mà cứ phải học các kiến thức trùng lặp hay vì bài tập, yêu cầu quá cao nên nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm… Giảm tải cũng sẽ giúp các GV có đủ điều kiện để chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng, có thêm thời gian cho việc dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết hoặc việc rèn luyện kĩ năng sống cho HS...

Mục tiêu cao nhất của chúng ta khi thực hiện điều chỉnh CT theo hướng tinh giảm chính là để nâng cao chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục chúng ta cần tiếp tục chú ý hơn nữa đến việc rèn luyện nhân cách cho HS: tăng cường giáo dục giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giáo dục để các em có sức khỏe tốt, có khả năng vượt khó, tự lập và phát hiện ra vấn đề, phát huy khả năng sáng tạo giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, có được hứng thú và phương pháp để tự học suốt đời… Việc điều chỉnh nội dung dạy học này sẽ giúp giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành, học tại hiện trường; điều đó sẽ giúp cho HS có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức, năng lực hành động và kỹ năng sống.

Nguồn tin: Báo GD&TĐ Online

 Tags:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI NHẤT
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách
6 tháng cuối năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách
quý IV năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai dự toán chi ngân sách năm 2024
của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố công khai điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố công khai bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2023 của trường THPT Chà Cang
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập137
  • Hôm nay9,148
  • Tháng hiện tại299,886
  • Tổng lượt truy cập14,468,333
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây