Có đường, có điện, có trường...
Nhưng 3 năm trở lại đây, nhờ các nguồn vốn từ các Chương trình 135, 134, 167, 30a… của Nhà nước, diện mạo Mường Nhé đã từng bước thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Mường Nhé đã và đang triển khai Đề án phát triển kinh tế- xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, với tổng kinh phí thực hiện cho cả giai đoạn 2009-2020 là gần 6.000 tỷ đồng.
Đổi mới dễ nhận thấy nhất của Mường Nhé hôm nay là đường giao thông liên tỉnh - huyện - xã -bản và hệ thống điện lưới quốc gia đang ngày một hoàn thiện với chất lượng cao. "Trước đây, từ trung tâm huyện ra TP.Điện Biên Phủ, chúng tôi phải đi mất vài ngày đường mà vất vả lắm, cứ như đi cày ngoài ruộng. Nay có đường nhựa to, rộng, sáng đi tỉnh, chiều đã ở nhà, bà con sướng lắm. Điện lưới cũng đã có rồi, nên mua sắm được nhiều cái đồ dùng hay như TV, đầu đĩa, quạt điện...” - anh Vàng A Hùng, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé vui vẻ.
Cách trung tâm huyện 85km, Trường THPT Chà Cang sừng sững với những dãy nhà 2 tầng khang trang. Trường có gần 400 học sinh là con em dân tộc thiểu số của 10 xã lân cận theo học. "
Trước đây việc học THPT của học sinh ở Mường Nhé như chúng em nhiều khó khăn, phải đi học xa tới 60-70km, thậm chí là hàng trăm km; trường lớp thì chật chội, ẩm thấp, thiếu thốn nhiều thứ. Nay Nhà nước quan tâm mở thêm nhiều trường học, lớp học khang trang, có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh nên ngày càng có nhiều con em người dân tộc được học hết cấp 3 để thi vào ĐH, CĐ. Tương lai của chúng em tươi sáng là nhờ việc học đấy” - Hà Thị Xinh, học sinh lớp 12C1, tâm sự.
Chung sức xây dựng Mường Nhé
Theo tìm hiểu của Dân Việt, UBND tỉnh Điện Biên cũng như huyện Mường Nhé đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công trình nước sinh hoạt, công trình giao thông, thuỷ lợi; hoàn thành phương án sắp xếp ổn định cuộc sống tại chỗ đến năm 2012 cho 114 bản, 7.800 hộ với 46.000 nhân khẩu. Ngoài ra còn nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống và sản xuất, học tập của nhân dân trong huyện đang được triển khai.
Một trong những chính sách hỗ trợ của Nhà nước được bà con các dân tộc vùng cao này rất quan tâm và hưởng ứng là khai hoang ruộng nước. Chúng tôi tìm về bản Nậm Pố, xã Mường Nhé - nơi có hơn 260 hộ người Mông. Mấy năm trước, bà con sống dựa vào cây trồng trên nương, thu nhập thấp lại bấp bênh theo thời tiết nên cuộc sống nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của huyện Mường Nhé, tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện mỗi năm giảm 5%. Đường giao thông đã thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ huyện về các xã. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 13,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 3,98 triệu đồng/năm. |
"Ba năm nay, thực hiện quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư tự do tại Nậm Pố, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ bà con khai hoang 91ha lúa nước, làm nương cố định trên diện tích gần 150ha nên cuộc sống đã khá hơn nhiều, dân bản vui lắm. Đời sống được nâng lên, ai cũng muốn Mường Nhé mình ngày càng ổn định và phát triển" - anh Hạng A Páo - Phó Trưởng bản Nậm Pố nói.
Những ngày này, chính quyền và nhân dân Mường Nhé đang tích cực chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Khắp nơi rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ và rộn ràng những câu chuyện về ngày hội lớn đang đến gần.
Chiều 13.5, trao đổi với Dân Việt, Bí thư Huyện uỷ huyện Mường Nhé - ông Pờ Diệp Sàng, cho biết: Toàn huyện có 7 đơn vị bầu cử, 154 điểm bỏ phiếu. Đến hôm nay, công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử đã hoàn tất. 29.132 cử tri trong huyện đều chung sức, chung lòng đóng góp cho thành công của kỳ bầu cử.
Tác giả bài viết: Kiều Thiện
Nguồn tin: Báo Nông thôn ngày nay (http://danviet.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |