(HNM) - Họ là thầy, cô giáo "cắm" ở bản Nậm Chua 5, xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, những người mang "con chữ" lên bản vùng cao biên giới, dạy cho bọn trẻ biết đọc, biết viết, cho dân bản biết chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Theo chân chàng trai người Mông từ khi mặt trời mới nhú, đến giữa trưa chúng tôi mới tới được bản Nậm Chua 5. Con đường ngoằn ngoèo, lên xuống dốc là vậy mà tuần nào các thầy, cô giáo cũng phải theo đó để ra trung tâm xã giao ban. Gặp cô Phan Thị Kim Oanh, giáo viên Trường Mầm non bản Nậm Chua 5, khi cô đang dạy các cháu tập tô hình vẽ. Cô Oanh khoe với chúng tôi: "Ngôi trường vừa mới được khánh thành, do nhóm Sen Xanh ở Hà Nội phối hợp với Đồn biên phòng 413 Nà Hỳ xây tặng qua sự kết nối của Báo Điện Biên Phủ. Ngày đưa lớp học vào sử dụng, cả bản cùng các thầy, cô giáo mừng lắm bởi từ giờ không phải lo mỗi khi trời mưa vừa giảng bài vừa hứng nước, trời nắng nhìn rõ mặt trời hay gió rét mùa đông như trước nữa. Còn những cuốn vở, sách tập tô mới này là của các bạn trẻ mang từ Hà Nội lên tặng các cháu. Từ khi bắt đầu lên Nậm Chua dạy học, đây là năm học đầu tiên trường được tặng nhiều sách vở như vậy, các cháu rất thích".
Cô giáo Oanh sinh năm 1986, nhà ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhưng gắn bó với mảnh đất Nậm Chua 5 ngay từ ngày ra trường. Trường nằm ở bản xa nên các thầy, cô giáo ra xã họp giao ban bằng xe máy, hôm trời mưa đi mất cả ngày, đến nơi quần áo nhuộm bùn đất từ đầu xuống chân. Nhưng khó khăn nhất, theo cô Oanh, là việc đi chiêu sinh vào đầu mỗi năm học. Muốn học sinh tới lớp thì phải thuyết phục được gia đình các em đồng ý. Có những hôm các cô tới nhà học sinh thì bố mẹ các em đi làm nương, tối đêm mới về nên cứ cố đợi, đến khi thuyết phục được gia đình đồng ý cho con đi học thì đã nửa đêm... Như để lý giải cho việc gắn bó với công việc gieo chữ ở vùng đất biên giới này, cô giáo Oanh cho biết thêm: "Tôi xem báo, đài thấy các em học sinh vùng sâu, vùng xa muốn đi học phải băng rừng, lội suối tới lớp, nên năm 2007, học xong khoa Sư phạm Mầm non, Trường CĐSP tỉnh Điện Biên là tôi xin vào Mường Nhé dạy học".
Đang chuyện thì mấy thanh niên quần đùi tay xách xâu cá về bản. Thầy giáo Mai Văn Long, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Nà Hỳ cho biết: "Đó là những thầy giáo "cắm bản" ở đây. Dạy ở điểm bản xa trung tâm, nên giáo viên phải tranh thủ những buổi cuối tuần xuống suối bắt cá, Hôm nào được nhiều cá, anh em lại cho dân bản. Làm như vậy thì đầu năm đi chiêu sinh sẽ thuận lợi hơn".
Cũng sinh ra và lớn lên ở TP Điện Biên Phủ, cô giáo Vũ Thị Hoạt, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Nà Hỳ đã có thâm niên gần 15 năm đi chiêu sinh. Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô Hoạt cho biết: "Đó là vào năm học 2005-2006, tôi đến lớp thấy có một học sinh giỏi ở lớp 2, nay lên lớp 3 mà không có mặt. Đoán là có chuyện, tôi đến nhà em tìm hiểu, được bà con cho biết em cùng gia đình đã lên nương ở nên không đến trường nữa. Mặt trời vừa qua đỉnh núi, tôi quyết định đi ngay đến nhà em. Đến nơi, gia đình em không cho đi học nhưng khi nghe tôi nói về tương lai của con cái họ sẽ đi đến đâu nếu không có chữ thì họ nghe ra và cho con theo tôi về trường. Đêm ấy gặp cơn mưa bất chợt, mãi tới sáng sớm hai thầy trò rét lướt thướt mới về tới trường, vừa kịp dự lễ khai giảng
Gặp chúng tôi, Trưởng bản Nậm Chua 5 Giàng A Páo vỗ vai: à cán bộ lại mang niềm vui đến cho bản à? Hóa ra trưởng bản nhớ ngày khởi công xây dựng trường, anh em chúng tôi tới, vừa tác nghiệp vừa cuốc đất đào móng cùng bà con dân bản. Trưởng bản tâm sự: "Cả bản tôi cám ơn Báo Điện Biên Phủ, nhóm Sen Xanh và Đồn biên phòng 413 Nà Hỳ lắm. Các anh chị đã giúp con, cháu chúng tôi có lớp học kiên cố. Giờ cả bản cam kết cho con, cháu tới lớp học lấy cái chữ, không gia đình nào đốt rừng làm nương nữa. Cũng là nhớ ơn các thầy, cô giáo ở đây, cuộc sống khó khăn lắm, mà vừa dạy học lại chăm lo từng ly, từng tí cho các cháu".