(SGD&ĐT) Năm 2013 có 24 trường THPT tổ chức được 191 nhóm lớp ôn thi đại học, cao đẳng.
Chủ nhật - 19/05/2013 04:48
Dienbien.edu.vn - Thực hiện văn bản hướng dẫn tháng 11 năm 2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn ôn thi đại học, cao đẳng năm 2013, ngay từ tháng 12 -2012, lãnh đạo các trường THPT đã quan tâm chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi đại học, cao đẳng xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chú ý rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, đáp ứng mục tiêu nâng cao trình độ đội ngũ, tư vấn hướng nghiệp và nhu cầu ôn thi của cha mẹ học sinh và học sinh trong tỉnh.
Đa số các trường THPT, PTDTNT đều làm khá tốt công tác phân loại học sinh theo khả năng nhận thức, lựa chọn giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình hướng dẫn ôn tập cho những học sinh học lực yếu, tổ chức lớp ôn thi cho những học sinh có học lực khá, giỏi, hỗ trợ giúp các em ôn thi theo định hướng của kỳ thi đại học, cao đẳng.
Một số trường sau khi ôn thi, từng tháng đã tổ chức cho học sinh thi thử đại học để giúp các em tự đánh giá được khả năng và sự tiến bộ của mình, trên cơ sở đó lựa chọn trường, khoa, ngành học phù hợp năng lực. Điển hình của việc thi thử chặt chẽ về quy trình tổ chức, chất lượng đề thi là THPT Thành phố, PTDTNT tỉnh và THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Đề thi được nâng lên theo thời gian và thời lượng ôn tập, đánh giá chính xác khả năng học tập và tiệm cận đề thi quốc gia. Bên cạnh đó, việc tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 12 để trao đổi các giải pháp học tập, ôn thi tốt nghiệp và ôn thi đại học được chú trọng. Cha mẹ học sinh tích cực, trách nhiệm trong việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giám sát việc học tại trường và thời gian biểu tự học tại nhà của con em...
Một góc THPT Thanh Nưa.
Tính đến đầu tháng 4 - 2013, toàn tỉnh có 24/28 trường THPT tổ chức được các lớp ôn thi cao đẳng, đại học cho học sinh với 191 lớp, trung bình gần 8 lớp/trường, trong đó ôn Toán có 38 lớp, Vật lý 30 lớp, Hóa học 31 lớp, Sinh học 18 lớp, Tiếng Anh 3 lớp, Ngữ văn 26 lớp, Lịch sử 23 lớp và Địa lý 23 lớp. Có 174 giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp này. Điều đáng suy nghĩ đối với đội ngũ là sau nhiều năm số học sinh dự thi khối D1 với môn tiếng Anh vẫn còn thấp, trong khi các em được học tiếng Anh từ lớp 6, thời lượng tương đương, thậm chí nhiều hơn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Làm thế nào để học sinh lớp 12 của Điện Biên tự tin hơn, yêu thích học môn tiếng Anh hơn. Trong nhiều năm nay tỉnh chưa có học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp quốc gia. Số học sinh tiểu học yêu thích tiếng Anh chưa nhiều và tập trung ở khu vực thành phố….
Năm nay, nhiều tỉnh thành trong cả nước số lượng thí sinh đăng kí dự thi đại học không tăng hoặc giảm nhẹ, khối các trường nông lâm, kĩ thuật được nhiều thí sinh lựa chọn, khối kinh tế nhiều trường số lượng hồ sơ giảm tương đối nhiều. Với Điện Biên hồ sơ đăng ký vẫn tăng với 8404 lượt, tăng 711 lượt so với năm 2012, điều đó là tốt hay không tốt?
Dẫn đầu về quy mô các lớp ôn thi cao đẳng, đại học là nhóm các trường lớn vùng thuận lợi như THPT Tuần Giáo 21 lớp, Chuyên Lê Quý Đôn 24 lớp, Phan Đình Giót 15 lớp và THPT Thành phố 12 lớp. Con số này thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường THPT, đặc biệt là các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như THPT Mường Nhà, Chà Cang, Tả Sìn Thàng. Chúng ta không chỉ hài lòng với tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm, mà hơn thế là chất lượng tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi, là tỷ lệ học lên sau tốt nghiệp mới thật ý nghĩa. Đội ngũ chúng ta có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu phát triển đúng đắn trong học học tập của nhân dân, của xã hội.
Qua quy môn trên cho thấy ý thức, nhu cầu thoát ly, học cao hơn sau tốt nghiệp THPT của một số lượng không nhỏ học sinh trong tỉnh. Ở nhiều xã, cụm xã, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống đồng bào các dân tộc còn rất khó khăn nhưng học trò ở đây vẫn có nhu cầu học ôn để thi cao đẳng, đại học, điều này thật đáng trân trọng.
Riêng 8 trường PTDTNT đã có tới 47 lớp ôn luyện, tuy nhiên các trường này thuận lợi hơn do học sinh ở nội trú, có ngân sách của tỉnh chi cho các tiết bồi dưỡng, nâng cao kiến thức ôn thi cao đẳng, đại học.
Khu sân chơi, bãi tập của THPT Nà Tấu đang được đầu tư nâng cấp.
Điều còn trăn trở là vẫn còn 4 trường chưa tổ chức được các lớp ôn thi cao đẳng, đại học cho học sinh, đó là THPT Trần Can, Mường Luân, Thị xã Mường Lay và Mùn Chung. Lãnh đạo các trường cho biết, năng lực của đội ngũ hoàn toàn đáp ứng, đã có sự chuẩn bị chu đáo, tuy nhiên học sinh không có hoặc quá ít em có nhu cầu ôn thi nên không mở được lớp. Như vậy nếu so sánh với những trường như THPT Tả Sìn Thàng, Chà Cang, Mường Nhà, Nà Tấu, Mường Nhé….có thể ở 4 trường trên một phần công tác định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền về đào tạo cao đẳng, đại học chưa thật tốt.
Hiện nay cơ hội học lên cho học sinh tốt nghiệp lớp 12 là rất rộng mở, điều quan trọng là các em lượng được sức mình, lựa chọn học nghề, trung cấp chuyên nghiệp hay thi cao đẳng, đại học đều là hướng đi tốt cho tương lai. Các em cần được các trường định hướng phân luồng đào tạo, học nghề nghiệp sớm, sâu sắc, đáp ứng xu thế nghề nghiệp trong tỉnh, quốc gia và quốc tế, phù hợp với thực tiễn. Vượt qua mặc cảm, tránh tình trạng sợ, ngại học nghề, đặc biệt là các nghề kỹ thuật như sửa chữa, xây dựng, tiếp xúc với máy móc, ngại xa nhà, ngại học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động…..
Các em cần nắm vững chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chính sách tuyển thẳng đối với học sinh các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với 1 trường cao đẳng nghề và 12 cơ sở dạy nghề đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, cần biết về chính sách cử tuyển, hệ thống đa dạng trường cao đẳng, đại học tư thục, công lập trong tỉnh và cả nước một cách đầy đủ…..để tránh thiếu thông tin dẫn tới thiệt thòi trong cơ hội phấn đấu học lên./.
Tác giả bài viết: Đoàn Trần Hiệp Nguồn tin: Phòng Giáo dục trung học