Giảm tải từ cảm nhận của những người trong cuộc

Thứ hai - 10/10/2011 02:38
Thời gian qua, ngành giáo dục đã tích cực triển khai, thực hiện chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp... của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những ý kiến trái chiều, khi sự chỉ đạo đến với các cơ sở giáo dục và đưa chủ trương này vào giảng dạy.
Ngay sau khi thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục - Đào tạo theo hướng cắt giảm ở các cấp học phổ thông (từ lớp 1 - 12); dư luận, nhất là giáo viên, học sinh hồ hởi đón nhận. Sau 2 tháng triển khai thực hiện chủ trương này, ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh; có rất nhiều ý kiến của những người trong cuộc, mà chúng tôi đã trực tiếp trao đổi. Xung quanh vấn đề giảm tải về nội dung kiến thức, nhưng thời lượng về các tiết dạy thì không thay đổi, dẫn đến việc giảm cái này lại tăng cái kia...

Đa phần học sinh trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ, khi được hỏi đều cho rằng thời gian học của các em không có gì thay đổi. Có em còn cho biết là chỉ thấy thầy cô giáo bỏ tiết trong sách giáo khoa, nhưng lại thay thế bằng tiết học khác, không biết vậy nghĩa là giảm tải. Em Nguyễn Thùy Linh và Nguyễn Thị Minh Thu học sinh lớp 12C6, Trường THPT Phan Đình Giót, T.P Điện Biên Phủ, cho biết: Nội dung kiến thức lớp 12 có cắt bỏ một số bài khó, dài... nhưng thời gian học vẫn như cũ, buổi sáng em học chính khóa 5 tiết, buổi chiều học thêm 4 tiết (chỉ nghỉ chiều thứ 3 các thầy cô họp). Vì lớp cuối cấp, nên thời gian dành cho học thêm của em gần như kín các ngày trong tuần, thứ 7, chủ nhật vẫn phải đi học thêm. Những phụ huynh học sinh khi tiếp nhận thông tin, từ việc điều chỉnh nội dung học theo hướng cắt giảm của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã rất phấn khởi cho rằng, con em mình sẽ có được thời gian nghỉ ngơi vui chơi, dành nhiều cho các hoạt động khác. Nhưng thời gian qua đã thực sự hụt hẫng; anh Nguyễn Mạnh Tâm, ở phường Tân Thanh, T.P Điện Biên Phủ, nói: Nhà tôi có cháu học lớp 12, ngày nào cháu cũng đi học ngày 2 buổi, số tiết học và thời gian học so với chị cháu đã học xong lớp 12 từ năm trước, thì chẳng có gì thay đổi. Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm, mà cháu vẫn phải đi học thêm cả buổi chiều, tối. Nhiều hôm thấy cháu đi học về mệt mỏi, bơ phờ mà thấy xót xa. Định không cho cháu đi học thêm, nhưng lại sợ không bằng bạn bè. Như thế này tôi không hiểu giảm tải là như thế nào...? Anh Hùng than phiền.

Cô giáo Bùi Anh Hào dạy bộ môn Văn học lớp 12, Trường THPT Phan Đình Giót trao đổi với chúng tôi: Điều chỉnh nội dung học theo hướng cắt giảm ở môn Văn học ở khối 10, 11 thực sự rõ nét trong các tiết dài, khó, không quan trọng. Nhưng ở khối 12, có tới 1/3 tiết dài, khó thì cả năm học, chỉ cắt giảm duy nhất có một bài. Đặc biệt ở phân môn tiếng Việt, mấy năm trở lại đây không áp dụng trong thi, nhưng không cắt giảm một tiết nào. Như vậy theo cô Hào, thì việc cắt giảm chưa thực sự thiết thực và đạt được hiệu quả.
 
Tiết sinh học giảm tải chuyển sang tiết ôn tập, thảo luận nhóm
ở Trường THCS Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Kiên Cường
Chúng tôi tìm hiểu, thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm, tại Trường THCS xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục - Đào tạo, nhà trường đã tiến hành tự điều chỉnh nội dung đã được giảm tải từng môn, trên nguyên tắc không thay đổi thời lượng dạy học. Theo nội dung hướng dẫn môn học: không dạy, không bắt buộc hoặc đọc thêm giáo viên dành thời lượng của nội dung này để luyện tập, củng cố, hướng dẫn thực hành cho học sinh. Nội dung này, nhà trường giao cho các tổ chuyên môn cùng giáo viên dạy, thống nhất về nội dung giảng dạy thay thế. Trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc như: Nội dung ôn tập, củng cố, thực hành được đưa vào thay thế, so với nội dung kiến thức cắt giảm lại nặng hơn. Giáo viên bộ môn trong tổ chuyên môn, chưa biết thống nhất như thế nào cho phù hợp. Đối với các tiết học được tăng thời lượng (từ 1 tiết thành 2 tiết), với yêu cầu phải đảm bảo tính liên tục của mạch kiến thức trong cùng một bài học. Nhưng có tiết dạy, giáo viên không biết phân như thế nào để dạy cho phù hợp. Thầy Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, lấy ví dụ cho chúng tôi bài: Danh từ (môn Ngữ Văn 8) theo phân phối chương trình được dạy trong 2 tiết; nay thực hiện điều chỉnh vẫn 2 tiết, nhưng được cắt bỏ phần I. Giáo viên loay hoay, không biết phân bổ kiến thức bài dạy như thế nào cho hợp lý (khi 2 tiết chỉ còn dạy phần Danh từ chung và Danh từ riêng), phần I đặc điểm của Danh từ có vai trò giúp học sinh nhận biết được thế nào là Danh từ, bị cắt bỏ. Như vậy theo thầy Hùng, thì tính liên tục của mạch kiến thức trong cùng một bài học đã bị phá vỡ, nên rất khó dạy đối với trường 100% học sinh là dân tộc thiểu số. Mong muốn của thầy cô giáo nơi đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo có điều chỉnh sát thực, quan tâm đến đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn... Vì chương trình học như hiện nay vẫn còn nhiều bài quá dài, khó... nói là giảm thì chỉ cắt những bài không cần thiết, nhưng thực chất lại thêm tiết ôn luyện, củng cố thành thử học sinh tiếp thu kiến thức khó hơn trước khi chưa giảm tải.

Trao đổi với ông Lê Ngọc Xuyên, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông về nội dung của điều chỉnh dạy học theo hướng cắt giảm, ông cho biết: Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, giảm chương trình kiến thức nội dung đã được học lớp trước, lớp sau lại lặp lại. Nội dung kiến thức quá khó, dài... Sở giao cho giáo viên bộ môn, tổ nhóm chuyên môn, tự bổ xung nội dung dạy vào các tiết giảm tải. Giảm tải có nghĩa là cắt giảm về nội dung kiến thức, chứ không phải giảm về thời lượng học, như một số người đã nghĩ. Qua thời gian thực hiện, Sở Giáo dục - Đào tạo đã nhận được phản hồi của một số trường. Hiện nay, bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc giảm nhiều nên giáo viên lúng túng, chưa biết đưa nội dung gì vào giảng dạy. Sở đã có hướng giải quyết bất cập này, trong thời gian sớm nhất.

Điều chỉnh nội dung cho vừa sức học sinh, là rất cần thiết nhưng làm như thế nào để người trong cuộc thực sự cảm nhận được mới là một vấn đề cần phải quan tâm.

Tác giả bài viết: Phạm Kiên Cường

Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn

 Tags:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI NHẤT
THỰC ĐƠN SUẤT ĂN HÀNG NGÀY CUNG CẤP CHO HỌC SINH NĂM HỌC 2024 - 2025
Quyết định V/v công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2023
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách quý II năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Thông báo V/v xét tuyển nguyện vọng 2 vào lớp 10 năm học 2024 - 2025
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay21,021
  • Tháng hiện tại202,117
  • Tổng lượt truy cập17,455,900
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây