Bay bổng những vần thơ về mái trường, thầy cô

Thứ tư - 14/11/2012 12:30
Nhiều hình ảnh, cảm xúc, suy nghĩ trăn trở từ những tứ thơ bất ngờ bay lên trong gian khó. Có thể nói, mỗi bài thơ là một bức tranh về cuộc sống thầy, trò Điện Biên. Qua đó, giáo dục vùng thấp, vùng cao; hôm qua, hôm nay hiện lên sinh động, sâu sắc mà chỉ những ai yêu, gắn bó với mái trường, trọn lòng với sự nghiệp trồng người mới có được… Đó là cảm nhận chung về các tác phẩm thơ dự thi “Mái trường - Thầy cô” do Sở Giáo dục & Đào tạo Điện Biên tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2012).
Từ thơ vùng cao nổi bật

Sau khoảng thời gian không dài (hai tháng, từ khi phát động), Ban tổ chức đã nhận được hơn bốn trăm bài thơ dự thi của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên từ khắp các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT, phổ thông DTNT THPT, Trung tâm GDTX, Cao đẳng Sư phạm, Hội Cựu Giáo chức trong tỉnh. Trăm bài trăm vẻ, dù sáng tác theo thể lục bát, đường luật hay tự do… thì “tất cả là tình yêu nghề nghiệp, cảm xúc chân thực, hồn nhiên” như Ban Giám khảo ngay từ đầu đã đánh giá. Giáo dục gắn với mọi người, mọi nhà; nhà trường, thầy cô càng hấp dẫn hơn qua những trang thơ, một “kênh” chiều sâu, chân dung tinh thần “tự họa” của người trong cuộc.

Đọc thơ nhà giáo Điện Biên, ta gặp lại mình trong lớp học, tiếng thầy cô giảng bài cùng nắng mai, cái rét cắt da cắt thịt bủa vây… tất cả đang cùng con thuyền tri thức tiến lên phía trước. Qua thơ, vừa chân thực, vừa lãng mạn, hình ảnh thầy cô thật dấu ấn -  nói khó khăn vất vả mà không kể lể; nói gian khó mà đang trên gian khó, ngạo nghễ như mây bay chỗ trời đất gặp nhau. Số lượng nhiều hơn cả là các bài thơ về thầy trò vùng cao (điều đương nhiên tất yếu của giáo dục Điện Biên). Khi chạm mạch mây núi non ngàn, dường như các thầy cô giáo dù đã một thời gắn bó với rừng hay đang đứng lớp có chim rừng hoa núi cùng bài giảng đều rưng rưng, xúc động. Thầy giáo Vũ Tiến Dũng (Trường PTDTBT - THCS Mường Mùn - Tuần Giáo) có bài thơ Tỏa Tình, tứ gọn, giàu sức gợi. Tỏa Tình nơi “Pha Đin nhất Pha Đin”, gian khó là: “Học sinh tôi áo một manh sao nổi/ Ngàn gió sương như gầm thét cả ngày”, nhưng cũng đầy chất thơ bay bổng tầm trời đất, bởi ý chí đang từng ngày, từng ngày vượt lên: “Nay đến rồi, ba năm bên con dốc/ Pha Đin hào hùng, tôi sưởi ấm Pha Đin”.  Khi đọc Tỏa Tình, lúc đầu tôi có cảm giác hình như mình gặp lại cái thời “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”, “Tây Tiến”; nhưng đọc kỹ, ngẫm lại, thấy thơ này giống mình hồi hăm mốt, hăm hai… có một chút lãng mạn, ngạo nghễ tuổi trẻ trong yêu gắn bó với nghề. Vâng, cái chung cảm xúc vùng cao bắt vào là thế; có điều - Thơ của các thầy cô thật hơn, đằm thắm hơn bởi các thầy cô giảng bài trong tiếng gió, tiếng thác; có nỗi lòng trăn trở nghĩ suy “Sườn núi dựng mà con người nhỏ quá/ Nên thế hệ nào cũng ruộng bậc thang” (Trường Bán trú), đó là câu thơ hay của thầy giáo Nguyễn Ngọc Bảo (Trường Phổ thông DTNT tỉnh). Giảng dạy ở vùng cao, “nhiều cùng” với học sinh, bà con các dân tộc, có lẽ năm tháng đã thấm thành thơ thầy Bảo ở độ khái quát triết lý như vậy! Từ suy ngẫm về cuộc sống địa bàn, về mô hình trường bán trú, bài thơ đã kết bằng mở: “Ngôi trường này như tập sách sang trang/ Như ngọn đuốc giữa rừng đêm thăm thẳm”. Đó cũng là sự sang trang chung của giáo dục Điện Biên hôm nay.

Trong khuôn khổ bài viết, khó có thể nói hết những bài thơ giáo dục vùng cao, nhưng… xin một niềm riêng, thêm chia sẻ nữa với những người trồng người ở nơi mà như học trò hồn nhiên nói “Lên trời thì ngắn, xuống trường thì xa”. Nhiều bài thơ, dù mặt này mặt kia chưa được chỉnh, nhưng có những câu dấu ấn, định vị tư thế thầy giáo, vùng tâm tưởng cô trò: “Chiến trường của em không tiếng súng/ Mà là ba mươi cây số đường đèo” (Em là cô giáo vùng cao, Trần Ngọc Sơn, trường Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên); “Lương thầy giáo bằng cả vụ ruộng quen/ Nhưng thầy vẫn ăn cơm với rau với muối” (Nhớ Búng Lao, Trần Đình Quang, trường THPT Mường Luân); Nậm Núa mùa mưa xoáy ngang đường lên bản/ Gánh chữ nặng vai, ai vượt lũ tới trường! (Mường Nhà nắng gọi, Vũ Thị Lan, trường Phổ thông DTBT THCS Mường Nhà huyện Điện Biên); “Giáo án soạn xong, thì học tiếng Thái, tiếng Mông/ Vì hầu hết học trò ít được nghe tiếng Việt” (Thầy trò quây quần trong đùm bọc yêu thương, Nguyễn Văn Tuyển, Tiểu học Ngối Cáy, Mường Ảng);  “Cô trò một đám mây bay/ Bút gai phấn xít đẩy ngày tháng đi/ Dốc đèo có lúc có khi/ Chân trời tới được đam mê trập trùng” (Nguyễn Thị Hiền, phòng GD&ĐT Thành phố); “Hiện ra lưng đồi/ Ngôi trường ngói đỏ/ Bên kia bờ suối/ Thêm nhịp cầu treo” (Ngược miền hoa ban, Dương Mạnh Quân - THPT Chà Cang); “Sương từng lớp cuốn theo con mỗi bận/ Có các em thơ thầm lặng đồng hành… Mẹ ơi ở đây nước suối rất trong/ Khi vào bản xa con quặn lòng nhớ lời ru của mẹ” (Thư xa, Trần Thị Ngân, trường THCS Quài Tở, Tuần Giáo); “Bữa cơm mèn mén, măng cay/ Tiếng gà thưa thớt lại ngày sang canh” (Cô giáo về bản, Nguyễn Thị Hồng Miên, trường CĐSP Điện Biên)…

Đến suy ngẫm, chân dung nghề

Ở một góc độ chiều sâu riêng, khác với số nhiều những bài thơ về giáo dục vùng cao, là các tác phẩm mang suy ngẫm khái quát, tự họa chân dung nghề nghiệp, thầy cô qua những chặng dài trường lớp.

Tiêu biểu cho những bài ấy là Tâm tình người làm vườn của nhà giáo Lê Mai (trường THPT Chuyên Lê Quí Đôn). Từ nhan đề đến các câu chữ, hình ảnh đều toát lên một tứ ẩn dụ sâu sắc về Nhà giáo - Người làm vườn, gieo hạt giống tương lai. “Những hạt giống quí/ Vươn cao những mầm non mập mạp/ Cành lá sum xuê và cây mãi tốt tươi/ Người làm vườn gieo chúng xuống mảnh đất mỡ màu, thấm đẫm mồ hôi”. Thơ đến, từ trải nghiệm, trọn đời gắn bó, dù có độ “lạnh” lí trí nhưng vẫn ấm áp, gần gũi với các thầy cô, những người hàng tiết, hàng ngày phải vượt lên những cảm xúc để trọn vẹn cho sản phẩm giáo dục.

Cùng chung mạch suy ngẫm, từ phút giây về thăm trường cũ, nhà giáo Đào Hoài Nam (Phòng GD&ĐT Thành phố Điện Biên Phủ) có những câu triết lí, đầy nhân tình thế thái: “Ngày xưa lưu luyến bên thầy/ Chia tay nước mắt đong đầy lệ rơi/ Để rồi mỗi đứa mỗi nơi/ Biết đâu nẻo đất phương trời tìm nhau/ Cuộc đời cơm áo, gạo rau/ Dẫu không quên, cũng còn đâu bạn bè?” (Về thăm trường cũ)

Cô giáo Lê Kiều Oanh (trường THPT Thanh Nưa) có bài thơ, dù nhan đề Yêu nghề (rất giản dị, hôm nay) nhưng ý tứ, hình ảnh lại mang dáng dấp cổ điển: Nghề ươm trồng cây Phúc/ Bắt rễ giữa vườn Trần/ Hạt giống đời nảy Lộc/ Sáng muôn đời chữ Tâm. Và, chính hơi thơ từ “Đất trên” Mường Thanh ấy đã nối nhịp bền chặt giữa truyền thống và hiện tại ở mạch ngầm - dù thời đại nào, thầy cô vẫn luôn ở vùng như đạo, như đời.

Trường lớp hôm nay, học trò khác xưa, yêu cầu cao hơn xưa, thầy cô đang đứng trước rất nhiều thử thách. Cô giáo trong sâu thẳm phải “gồng” mình lên để khi trước học trò như chưa hề có cuộc chiến đấu nội tại. Và cũng đến lúc, sau những hồn nhiên, trò nhận ra: “Cô là cô mặc mưa nắng chan chan/ Cô là cô ngày không tính bằng giờ phút/Yêu thương kể ra bằng chưa bao giờ cô ốm/ Bởi học trò phía ấy đợi cô” (Ngày của cô, Trần Thị Phong, trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ); có thể là chung một thoáng suy tư của đồng nghiệp già trẻ: “Ngày mai và tương lai/ Học trò bao thế hệ/ Lớp già bên lớp trẻ/ Chung một thoáng suy tư” (Suy tư, Cao Thị Đại, trường THCS Nam Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ)

Và đặc biệt, qua cuộc thi thơ, có những bài “tự soi mình”, bằng lương tâm nghề nghiệp. Đó là một tiết lên lớp chưa bằng lòng với giáo án… để 45 phút đau khổ, dằn vặt, hành hạ cô giáo “Tiết giảng hôm nay đứng trước học sinh/ Tôi thấy tim mình như rỉ máu” (Giáo án chưa xong, Dương Thị Kiêu, Trung tâm GDTX Mường Chà)

Dù nhiều suy ngẫm như bản chất nghề giáo nhưng toát lên từ chiều sâu tâm tư vẫn là ánh sáng tin yêu, tự hào: “Nghề của anh thắp sáng vạn công trình/ Nghề của em xây tâm hồn thơ trẻ/ Những công trình như tấm lòng mới mẻ/ Anh và em xây nền móng tương lai”(Với anh, Hồng Thúy, trường THCS Tân Bình, Thành phố Điện Biên Phủ).

Cảm xúc bay lên, bay cao bằng một sợi dây hồng là tấm lòng, tấm lòng ấy biến những thuật ngữ khô khan thành thơ “Yêu từng ánh mắt thơ ngây/ Cho giao thoa sóng lời thầy bay xa” (Tâm sự người thầy, Đặng Quang Huy, trường THPT Thanh Nưa)

Bên cạnh nhiều bài thơ của các thầy cô, có không ít những vần thơ của học trò. Tất cả đều chung cái nhìn hồn nhiên, mộng mơ khát khao tuổi teen “Bình minh/ Tôi giật mình/ Trong lạnh giá/ Tôi muốn làm hạt nắng/ Gửi đến cô/ Chút ấm áp/ Chút niềm tin” (Nếu, Kim Ngân – Quỳnh Trang, lớp 11B5, THPT Chuyên Lê Quí Đôn); “Nếu một mai ta rời xa lớp học/ Ước mơ xin trả lại thời gian/ Và kỷ niệm vui buồn bao năm tháng/ Lặng thầm theo nỗi nhớ đợi thu sang” (Nếu một mai, Trần Tiến Thành, Học sinh trường THPT Thị xã Mường Lay)…

Cuộc thi thơ “Mái trường - Thầy cô” của Sở GD&ĐT đã khép lại với 04 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 23 giải khuyến khích; nhưng dư âm, sức lan tỏa của những vần thơ thầy trò còn đang ngân vang, sâu lắng; tác động không nhỏ tới hoạt động dạy và học trong toàn ngành. Những hoạt động này không chỉ dừng lại ở một hội thi trong Ngành giáo dục mà rất cần được các ban, ngành, các tổ chức, các Hội quan tâm để hoạt động văn hóa tinh thần này ngày càng phát triển và có chiều sâu./.
 
Điện Biên, ngày 11 tháng 11 năm 2012
Tác giả bài viết: Du An
Theo baigiangdienbien.edu.vn

 Tags: , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI NHẤT
THỰC ĐƠN SUẤT ĂN HÀNG NGÀY CUNG CẤP CHO HỌC SINH NĂM HỌC 2024 - 2025
Quyết định V/v công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2023
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách quý II năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Quyết định về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của trường THPT Chà Cang
Thông báo V/v xét tuyển nguyện vọng 2 vào lớp 10 năm học 2024 - 2025
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay20,812
  • Tháng hiện tại201,908
  • Tổng lượt truy cập17,455,691
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây