Trường THPT Chà Cang được thành lập vào đầu năm 2008, theo Quyết định số 04/2008/QĐ của UBND tỉnh Điện Biên. Trường được xây dựng trên trung tâm xã Chà Cang, cách thành phố Điện Biên Phủ 120 km, là cửa ngõ của huyện Mường Nhé, cách trung tâm huyện tới 85km. Xã Chà Cang nằm trong danh mục các xã đặc biệt khó khăn cần được ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Học sinh của nhà trường gồm nhiều dân tộc khác nhau, được tuyển từ các xã Chà Cang và gần 10 xã lân cận khác của huyện Mường Nhé và Mường Chà. Tổng số học sinh hiện tại đang theo học tại trường là 350 em, trong đó chiếm 3/4 là con em dân tộc Thái, có 71 em là dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Đa số gia đình các em học sinh đều còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, số thuộc hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao. Một số lượng khá lớn các em có gia đình ở các bản cách xa trường trên dưới 40-50km. Có trên hai trăm học sinh ở KTX hoặc ở nhờ trọ nhà người dân xung quanh trường, sống xa nhà, xa người thân, chia thành từng nhóm sinh hoạt.
Năm học này, nhà trường có 121 học sinh khối 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp bậc THPT, trong đó có 106 học sinh đăng kí thi theo chương trình Giáo dục phổ thông, còn lại là đăng kí thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên. Trong số này có 18 thí sinh tự do. Đây là năm học thứ 2 nhà trường có học sinh dự thi tốt nghiệp.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010, có 116 học sinh khóa đầu tiên tham gia kỳ thi và đỗ được 51 em, đạt tỉ lệ 44, một tỉ lệ rất khiêm tốn so với kết quả chung của cả tỉnh. Không đạt được kế hoạch đặt ra là tỉ lệ tốt nghiệp phải trên 50%, song cũng phải thừa nhận đó là một sự cố gắng của thầy và trò nhà trường, vốn chịu khá nhiều thiệt thòi do điều kiện trường lớp chưa được đầu tư đầy đủ, thiếu giáo viên; số đông là các thầy cô mới ra trường lần đầu dạy lớp 12 nên kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế; chất lượng đầu vào lớp 10 trước đây còn thấp và điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh thua kém rất nhiều so với các nơi khác.
Rút kinh nghiệm sâu sắc ở năm học trước, ngay từ đầu năm học 2010-2011, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với các tổ chức Đoàn thanh niên, công đoàn trường đặt quyết tâm cao nhất cho một kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Bắt đầu từ khâu lập kế hoạch chi tiết các công việc cần phải làm theo từng giai đoạn, đến khâu tổ chức thực hiện. Những thầy cô giáo có năng lực nhất, nhiệt tình nhất được bố trí sắp xếp tham gia giảng dạy lớp 12, được ưu tiên thời gian để đầu tư nghiên cứu tìm tòi các phương án lên lớp để giúp các em học dễ hiểu. Nhiều tiết dạy thu hút được học sinh chú ý do kết hợp hài hòa giữa kiểu dạy truyền thống và phương pháp dạy học tích cực có ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị dạy học. Bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, tăng cường dạy học đúng đối tượng, chú ý nhiều đến các em học sinh còn khó khăn trong học tập, những học sinh yếu để kèm cặp thêm là cách đi của nhà trường. Hướng dẫn học sinh cách học tập sao cho hiệu quả, tránh lối học thuộc lòng, học vẹt mà không rõ bản chất, đặc biệt chú trọng việc nâng cao kỹ năng cho các em. Các bậc phụ huynh cũng được mời đến họp nhằm phối hợp với nhà trường quản lý học sinh chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tập trung học tập và rèn luyện. Kế hoạch tổ chức ôn thi tốt nghiệp của trường đã được Sở GD&ĐT phê duyệt và đánh giá là có đầu tư nghiêm túc và tính khả thi cao.
Thực hiện hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã chủ động dạy chính khóa đến đâu, phụ đạo, ôn thi tới đó; không dồn nén chương trình; có phân loại học sinh để ôn tập phù hợp với đối tượng; chú trọng việc hướng dẫn học sinh tự học sau những buổi trên lớp. Các thầy cô giáo đầu tư nghiên cứu, giúp học sinh cùng xây dựng đề cương cho từng loại kiểu bài. Tổ chức ôn thành 2 giai đoạn chính : giai đoạn 1 từ ngày 1/4/2011 đến ngày 10/5/2011 ôn theo mạch kiến thức, chủ đề; giai đoạn 2 sau ngày 10/5/2011 ôn tổng hợp tất cả các chủ đề, sử dụng các ma trận đề đã được thống nhất trong các đợt tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức. Nhà trường tranh thủ sự giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo và một số đơn vị có kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp như trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, THPT Mường Nhà, THPT Thành phố, THPT Thị xã Mường Lay ....để đưa các thầy cô đi học tập kinh nghiệm, hoặc mời các thầy cô về để tư vấn , nhờ vậy, công tác ôn thi của các thầy cô giáo trong trường phát huy hiệu quả nhìn thấy sau mỗi lần thi thử tốt nghiệp. Qua thống kê, nếu lấy kết quả thi học kỳ II (đề của Sở GD&ĐT ra) làm kết quả thi tốt nghiệp thì tỉ lệ tốt nghiệp đạt được trên 70%. Nhà trường lấy kết quả kiểm tra học kỳ và kết quả thi tốt nghiệp của học sinh là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá xếp loại giáo viên, là cơ sở để bố trí sử dụng đội ngũ những năm tiếp theo.
Ngoài các tiết học buổi sáng, một số học sinh yếu kém được kèm cặp thêm vào buổi chiều, còn buổi tối các em tự học. Những học sinh ở KTX được nhà trường mở lớp cho các em tự học có sự quản lý của tổ chức Đoàn thanh niên. Đã thành nền nếp, sau hoạt động thể thao cuối buổi chiều, vệ sinh thân thể và ăn tối, các em lên khu lớp học xem tivi khoảng 1 tiếng , đúng 19h30’ là tất cả tự giác về vị trí học tập của mình.
Không giống như các em học sinh ở các trường vùng thấp, học sinh trường THPT Chà Cang đa số có hoàn cảnh rất vất vả. Sinh ra và lớn lên ở những bản làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, nhiều em thậm chí chưa có dịp đặt bước đến thị trấn như Mường Chà hay thành phố Điện Biên Phủ, tức là mới chỉ từ nhà ra đến trường, từ nhỏ đến lớn chỉ quen đi trên những con đường mà phần nhiều chưa được rải nhựa. Thu nhập chủ yếu của gia đình thu được từ nương rẫy, cuộc sống kham khổ vất vả quanh năm, cố gắng cấp gạo cho con ăn học hy vọng sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn cha mẹ. Các em học sinh cũng đã hết sức nỗ lực. Mỗi ngày đến lớp được đều đặn là một cố gắng. Xa nhà, xa người thân, tự chăm sóc bản thân với một số ít tiền hạn chế khoảng trên dưới trăm ngàn đồng mỗi tháng mà hàng quá nhiều khoản cần chi tiêu. Số tiền hỗ trợ dành cho con hộ nghèo, hỗ trợ học sinh bán trú mỗi tháng cũng chỉ đủ trang cấp cho các em phần nào. Đến thăm bữa ăn của học sinh, ai cũng thấy ái ngại vì chỉ có bát canh và chút muối, một nồi cơm mà các em vẫn vừa ăn vừa trò chuyện một cách ngon lành. Cứ sau một vài tuần là các em về nhà lấy thêm gạo. Đấy là những trường hợp ở gần trường, chứ khoảng gần trăm em học sinh ở Nà Hỳ, Nà Bủng thì có những lần hết gạo mà chẳng biết kêu ai, vì ở nhà không có sóng điện thoại để gọi bố mẹ đưa lên, đường về thì xa đi bộ vài ngày mới tớ, chẳng lẽ nghỉ học hàng tuần để về. Có những ngày mưa đường trơn, sạt lở khắp nơi không đi lại được, các em phải dè xẻn từng bát gạo để qua những ngày thiếu thốn, chờ nắng ráo có người nhà mang gạo về cho. Một em nữ học sinh ở Nà Bủng tâm sự với thầy cô : “Chúng em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn này để tiếp tục học tập, có học tốt, đỗ vào trường chuyên nghiệp thì sau này mới đỡ khổ, có thể về giúp đỡ gia đình được”. Với học sinh ở vùng thuận lợi, ước mơ của các em thường là muốn trở thành ca sĩ, doanh nhân nổi tiếng, thành kỹ sư bác sĩ ...., còn ở đây các em học sinh chỉ có ước mơ thật giản dị, là được học hành đến nơi đến chốn, để sau này giúp mọi người trong nhà có một cuộc sống tốt hơn, để các em của mình cũng được học hành tử tế, không phải quanh năm chống chọi với cái đói , cái nghèo và những tập tục cổ hủ.
Với quyết tâm không để học sinh thiếu đói, ảnh hưởng đến việc học tập và thi cử, nhà trường đã có nhiều hình thức giúp đỡ các em học sinh. Hàng chục triệu đồng được huy động từ những tấm lòng của thầy cô trong trường những ngày giáp hạt đến với các em. Năm học trước, tất cả các em học sinh được cán bộ, giáo viên nhà trường tổ chức nấu ăn miễn phí các buổi trưa trong những ngày thi tốt nghiệp. Hàng ngày, các thầy cô được phân công đến từng nhóm học sinh động viên các em tự tin, khắc phục khó khăn lên lớp. Như thành thông lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo lại có những chuyến hàng chở lương thực đến hỗ trợ học sinh vào dịp cuối năm, nên không có chuyện học sinh thiếu gạo, thực phẩm những ngày ôn và thi. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng có nhiều động viên tinh thần và hỗ trợ về vật chất cho nhà trường, gần đây nhất là gửi những kiện dầu thực vật và súp ăn tặng các em học sinh ở xa nhà. Những hoạt động đó rất có ý nghĩa với các em học sinh, nhất là giai đoạn này các em cần tập trung vào ôn thi tốt nghiệp, không nên để những khó khăn về tiền, gạo chi phối cản trở việc học hành. “ Chúng em không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các thầy cô giáo ở Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô và các bạn học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ chúng em bớt khó khăn. Chúng em sẽ cố gắng để có kết quả thi tốt nghiệp cao nhất, khỏi phụ lòng các thầy cô và sự ủng hộ của các bạn” – một học sinh lớp 12C1 đã xúc động phát biểu trong buổi nhận quà hỗ trợ của Sở GD&ĐT và các đơn vị trường học.
Với sự chuẩn bị chu đáo cho kì thi tốt nghiệp năm nay, sự nỗ lực quyết tâm của thầy và trò, sự quan tâm sâu sắc của Sở Giáo dục và Đào tạo và các lực lượng xã hội, nhà trường tin tưởng rằng kết quả thi tốt nghiệp năm học 2010-2011 sẽ đạt kế hoạch đặt ra là tỉ lệ tốt nghiệp từ 60% trở lên./.
Tác giả bài viết: BBT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
VĂN BẢN MỚI NHẤT |