Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


(THPTCC) Gian nan việc vận động học sinh dự tuyển vào lớp 10

Năm học 2013-2014, trường THPT Chà Cang được giao tuyển sinh vào lớp 10 là 200 em. Tuy nhiên, đến thời điểm 20/07/2013 mới chỉ có 150 em đến nộp hồ sơ dự tuyển, trong khi đó hạn tuyển sinh chỉ còn ít ngày nữa. Thực trạng học sinh lớp 9 không mặn mà với việc nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 đã diễn ra từ nhiều năm nay, nguyên nhân chính là các gia đình học sinh không có nhu cầu cho con em đi học, không xác định được việc học lên là cần thiết cho tương lai con em mình. Và cũng như mọi năm, những người thầy giáo, cô giáo của nhà trường lại chuẩn bị mũ áo lên đường, tới tận những bản làng xa nhất trong khu vực tuyển sinh để tuyên truyền vận động học sinh đến nộp hồ sơ dự tuyển.
Leo lên đỉnh đồi cao đến nhà dân để vận động học sinh ra lớp - Vàng Xôn, Chà Cang năm 2010. Ảnh: Nguyễn Mạnh Tuân
         Theo lịch trình nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là trường PTDT Bán trú -THCS Nà Bủng, ngôi trường xa nhất và khó khăn nhất của huyện Nậm Pồ.  Chúng tôi đến Nà Bủng đúng vào dịp mưa nhiều nên đường rất lầy lội và trơn trượt. Từ Chà Cang đến Nà Bủng chỉ hơn 70km nhưng chúng tôi phải mất hơn năm tiếng đồng hồ mới đến nơi. Phần lớn thời gian xe phải bò số 1, nhiều đoạn phải nhờ người đẩy và khênh  mới qua được những chỗ sạt lở.

         Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ làm việc với các thầy cô giáo của nhà trường để thu thập thông tin về số liệu học sinh theo từng điểm bản. Theo hướng dẫn anh Khắc nhân viên bảo vệ của nhà trường, chúng tôi đã đi xuống các điểm bản, để yên tâm chúng tôi phải huy động các em học sinh cũ của mình dẫn đường. Từ trung tâm xã Nà Bủng chúng tôi đến các bản Nà Bủng 1, 2; Nậm Tắt 1, 2; Pá Kha và bản Nương đây là những bản gần trung tâm và có nhiều học sinh nhất. Nhưng thật không may cho chúng tôi thời gian này là mùa làm nương dẫy nên không gặp được các em. Trong nhà chỉ có trẻ em và người già, chúng tôi không nhận được gì khác những câu trả lời “ chư pâu” ( tiếng Mông có nghĩa là không biết). Phải đến gần tối trên đường quay về chúng tôi mắn mắn mới gặp được anh Sùng A Chiu là phó bản Nậm Tắt 1. Khi được biết chúng tôi là giáo vên trường THPT Chà Cang vào đây để tuyển sinh, anh mới cởi mở tâm sự với chúng tôi: “ Các thầy giáo đi dịp này không may mắn rồi, đường đi khó khăn lắm, lại đúng vào mùa nương dẫy nên chỉ có trẻ con và người già ở nhà thôi. Các thầy giáo phải quan tâm đến viêc dạy chữ cho con em vùng cao lắm mới  nhiệt tình vào tận đây truyển sinh, thật quý quá! Nhưng các thầy cũng biết đó vì điều kiện quá khó khăn mà nhiều em học sinh học xong THCS không thể ra Chà Cang học tiếp THPT được. Ở cả xã thì tôi không biết có bao nhiêu em học sinh, nhưng ở mấy bản xung quanh đây năm nào cũng có khoảng 20 đến 30 em học hết lớp 9 nhưng chỉ khoảng 3 đến 5 em cố gắng lắm mới  đi học tiếp cấp 3 thôi…”. Cuối cùng anh tha thiết giữ chúng tôi ở lại ăn với gia đình một bữa cơm vì chẳng mấy khi được tiếp đón các thầy cô giáo cấp III. Nhưng chúng tôi không dám ở lại bởi chỉ sợ mưa xuống, xe máy không thể ra khỏi bản được. Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúng tôi chia tay anh mà lòng nặng trĩu suy tư, những câu chuyện về giáo dục vùng cao như thế đã không còn xa lạ nhưng nó vấn cứ luôn đau đáu đối với những ai nặng lòng với sự nghiệp giáo dục vùng cao.

          Ngôi trường thứ hai trong lịch trình của chúng tôi là trường PTDT bán trú- THCS Nà Hỳ. Đến Nà Hỳ chuyến này có nhiều thay đổi so với những lần trước, xã mới có điện lưới quốc gia được hơn 20 ngày nên nhìn gương mặt của người dân hình như rạng rỡ hơn. Qua thầy Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường chúng tôi được biết: Nhà trường có 90 học sinh đã tốt nghiệp THCS, trong đó có 20 học sinh phổ cấp và 70 học sinh phổ thông, số học sinh thi vào các trường nội trú tỉnh và huyện gần 30 em hồ sơ vấn đang ở trường nội trú huyện Mường Nhé. Hiện tại nhà trường vẫn còn hơn 30 bộ hồ sơ các em chưa rút về ( số học sinh này gần như chắc chắn sẽ không đi học ở đâu, vì nếu đi học thì các em đã rút hồ sơ rồi, thầy Hoàn giải thích). Như vậy trừ số học sinh đã nộp hồ sơ ở trường THPT Chà Cang và một số đi học trung cấp thì chỉ còn lại hơn mười học sinh nữa là có thể vận động các em đi học tiếp được thôi. Sau khi lấy địa chỉ của từng em theo các điểm bản chúng tôi đã đến nhà các em nhưng cũng chẳng gặp được ai vì cả nhà đi nương. Qua các em học sinh ở bản Nà Hỳ 1, chúng tôi được biết em Thùng Thị Muôn rất muốn đi học tiếp THPT nhưng vì gia đình quá khó khăn nên bố mẹ không thể cho em đi học. Chúng tôi phải lên tận nương của anh Thùng Văn Chăng, bố của em Muôn để thuyết phục anh cho con đi học tiếp. Trò truyện với anh chúng tôi được biết gia đình anh chị có 5 con, hai cháu lớn đang học lớp 10 và lớp 11 ở trường THPT Chà Cang, cháu  thứ ba vừa học xong lớp 9, hai cháu bé đứa học lớp 1, đứa lớp 5. Hiện tại gia đình rất khó khăn, thiếu lao động đã thế mẹ các cháu sức khỏe lại yếu nên tôi đành phải để cháu Muôn nghỉ học giúp bố mẹ và chăm sóc hai em nhỏ. Khi chúng tôi thuyết phục anh chị cố gắng khắc phục khó khăn cho cháu ra Chà Cang học tiếp, vì nhà nước vừa có chính sách hỗ trợ những học sinh THPT là con em dân tộc thiểu số đang sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn nhà cách trường từ 10km trở lên sẽ được hỗ trợ 40% lương tối thiểu ( tương đương 460.000đ/tháng). Anh vẫn kiên quyết: các thầy giáo thông cảm cho gia đình thôi, tôi cũng mong muốn các cháu đều được học hết cấp III nhưng vì không còn cách nào khác tôi đành phải để cháu nghỉ học.

          Rời Nà Hỳ, chúng tôi lại tiếp tục lịch trình về Nà Khoa nơi đây có ngôi trường PTDT bán trú – THCS Nà Khoa với hơn 70 em học sinh đã tốt nghiệp THCS. Từ Nà Hỳ đến Nà Khoa với quãng đường chỉ có 15km mà chúng tôi cũng mất đến hơn hai tiếng đồng hồ vì đường quá lầy lội. Nếu không giới thiệu thì khó ai có thể tin được chúng tôi là những giáo viên bởi cả người và xe bê bết bùn đất. Lúc này trời đang mưa rất to nên chúng tôi không thể vào các bản được mà chỉ đến UBND xã nhờ các cán bộ xã thông báo đến các trưởng bản để nhắc nhở các cháu nộp hồ sơ đúng thời hạn.

          Chuyến đi này thực sự đã để lại những ấn tượng khó quên với chúng tôi. Trên hành trình của mình, chúng tôi không nhớ được đã đi qua bao nhiêu cái cầu, lội qua bao nhiêu con suối hay vượt qua bao nhiêu cái dốc trơn trượt để đến từng điểm bản nơi có các em học sinh vừa tốt nghiệp THCS và chỉ ít ngày nữa thôi các em sẽ là những học sinh của chúng tôi. Qua chuyến đi này chúng tôi càng thấm thía nỗi vất vả, vật lộn với khó khăn hàng ngày của các em để đến được với con chữ. 
Ghi chép của thầy Nguyễn Văn Tập và thầy Khoàng Văn Châu

   Theo báo cáo của Ban tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014, với sự nỗ lực của các cán bộ giáo viên làm công tác tuyên truyền, vận động, đến ngày 7/8/2013 số hồ sơ dự tuyển mà nhà trường đã nhận được là 285 bộ. Như vậy, nhà trường đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Sở GD&ĐT giao.
 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây