Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


“Căng” với thiết bị dạy học

Từ nay đến hết năm, khoảng 130 tỉ đồng sẽ được đầu tư cho việc thí điểm tự làm thiết bị dạy học của giáo dục mầm non và phổ thông trên cả nước.
Bộ GD-ĐT vừa giao cho 5 địa phương (Hà Nội, Nam Định, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng) trong năm học 2011-2012 thực hiện thí điểm đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm.
 
Còn nhiều bất cập
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, trong điều kiện nguồn cung thiết bị dạy học cũng như kinh phí mua sắm bổ sung và sửa chữa thiết bị bị hạn chế thì giải pháp tự làm, tự sửa chữa, tự cải tiến thiết bị dạy học là rất cần thiết. Thực tế, không ít giáo viên đã sáng tạo cả phần mềm mô phỏng các thí nghiệm hóa học, vật lý, sinh học…, thực hiện được các thí nghiệm khó trong thực tế của điều kiện dạy học. Nhiều địa phương đã phát triển phong trào tự làm thiết bị dạy học, không chỉ tạo thành một hoạt động sư phạm sôi nổi mà còn khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, hoạt động tự làm thiết bị dạy học chưa được thường xuyên, chưa đồng đều giữa các cấp học, giữa các vùng miền, địa phương. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết ở giáo dục mầm non, hiện vẫn chưa có cơ chế chính sách để hỗ trợ mua nguyên vật liệu, trong khi thu nhập của giáo viên không cao, đặc biệt là những giáo viên mầm non ngoài biên chế, nên nhiều giáo viên không có đủ điều kiện để tự làm thiết bị dạy học.
 
Nếu có đầy đủ thiết bị giảng dạy, các tiết học sẽ sinh động và hiệu quả hơn.
 
Ở cấp tiểu học, thiết bị dạy học tự làm mới chỉ tập trung ở một số môn học (toán, khoa học, lịch sử, địa lý…) hoặc chỉ tập trung ở một số chương, bài của các môn học. Điều đó cho thấy công tác tự làm thiết bị dạy học chưa được đầu tư nghiên cứu một cách sư phạm, khoa học và đầy đủ. Các trường THCS và THPT tuy có một số lượng lớn thiết bị dạy học nhưng việc quản lý, khai thác, sử dụng số thiết bị này còn nhiều bất cập. Việc quản lý, khai thác sử dụng chỉ đạt hiệu quả cao nếu gắn kết việc cải tiến, sửa chữa các thiết bị dạy học đã được trang bị với các hoạt động tự làm thiết bị.

Khó từ nhiều phía
Theo Bộ GD-ĐT, từ nay đến hết năm 2012, kinh phí cho việc thí điểm phát triển thiết bị dạy học tự làm khoảng 130 tỉ đồng. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo việc sản xuất các thiết bị này phải bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng đồng thời giảm ngân sách Nhà nước chi cho mua sắm trực tiếp các thiết bị dạy học khi thiết bị tự làm thay thế được. Ông Hiển cũng cho rằng cần phải coi việc tự làm thiết bị dạy học như là hoạt động thường xuyên, là nhiệm vụ của giáo viên cũng như các cơ quan quản lý trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, việc tự làm thiết bị dạy học gặp không ít khó khăn. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định Đỗ Anh Xô đề nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn tiêu chí đánh giá cụ thể để hạn chế sự lúng túng khi tổ chức các cuộc thi thiết bị dạy học tự làm ở cơ sở. Thêm vào đó, định mức chi tối thiểu của tỉnh này chỉ gói gọn trong khoản chi thường xuyên nên cần có sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương.

Thiếu cả nhân lực
Theo ông Trương Đình Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông của Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, các trường THCS và THPT của tỉnh có một lượng lớn thiết bị dạy học được trang bị đại trà theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu nhưng việc quản lý, khai thác, sử dụng còn nhiều bất cập, như thiếu kho chứa, thiếu phòng thực hành, thí nghiệm, đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên trách. Nguồn nhân lực hạn chế nên việc triển khai tự làm thiết bị dạy học không hề dễ dàng.
Bên cạnh khó khăn về kinh phí, thiếu nguồn lực cũng là vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Các trường học hiện nay đều thiếu biên chế giáo viên làm công tác thiết bị dạy học nên nhà trường thường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm nhưng lại không được hưởng phụ cấp ưu đãi. Bản thân các giáo viên kiêm nhiệm cũng không có chuyên môn nên hiệu quả sử dụng còn hạn chế.
 
 
Theo Yến Anh
Nguồn: Dân trí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây