Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


Trường ngã 3 Chà nở hoa

Cứ lần nữa mãi, trong chuyến công tác vừa đây tôi mới có điều kiện ghé thăm các thầy cô ở Trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé. Đó là một ngôi trường hết sức đặc biệt, nằm giữa 2 huyện Mường Chà, Mường Nhé và mọi người vẫn thường gọi trường bằng cái tên “trường ngã 3 Chà”.
Học sinh của trường tham gia Hội thi Giai điệu tuổi hồng.

Con chữ bén rễ

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, năm 2008 Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên quyết định mở cụm Trường THPT tại xã Chà Cang, huyện Mường Nhé. Một cụm trường được coi là “đệ nhất khốn khó” về mọi mặt trong các trường THPT của tỉnh nhưng nhiệm vụ thì hết sức quan trọng, là duy trì phát triển giáo dục 10 xã xa nhất, nghèo nhất, trình độ dân trí thấp nhất... Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường chỉ là tiếp quản lại khu UBND huyện cũ.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng nhà trường là người đầu tiên nhận quyết định, điều động từ Hiệu phó Trường THPT thị xã Mường Lay về làm Hiệu phó kiêm phụ trách cụm trường và là người già nhất, nhiều kinh nghiệm nhất (SN 1977), bồi hồi kể lại: Năm đầu tiên thành lập cụm trường có 6 lớp, gần 200 học sinh với 10 thầy cô giáo. Khó khăn, chất chồng, bề bộn từ chỗ ăn ở cho cán bộ giáo viên... Trường được biên chế 100% giáo viên mới, ở vùng đất gian khó không ít giáo viên đã nản lòng, dao động. Xung quanh bốn bề là núi, cuộc sống thiếu thốn, nhất là nước sinh hoạt. Giáo viên ở đây có câu  Đường lên trời thì gần, đường xuống suối thì xa để nói về chặng đường đi lấy nước... Đến giờ nó vẫn là nỗi ám ảnh, nỗi lo luôn thường trực với giáo viên nơi đây.

Học sinh của trường có tới 2/3 ở những xã xa cách trường từ 40 - 60 km như: Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa... những cái tên mà ai nghe thấy đều phải lắc đầu, lè lưỡi vào mùa mưa đi được đến nơi ấy, thì chỉ có đôi chân và gậy. Đi được hết các xã, các thầy, cô phải mất hàng tháng trời lặn lội, đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường. Vận động được các em đến trường đã khó, nhưng làm thế nào để cho các em quen được với môi trường học tập mới, với cuộc sống tập thể là điều khó khăn hơn rất nhiều.

Thực tế có học sinh ra học được vài ngày nhưng nhớ nhà nên bỏ về; học sinh viết giấy xin nghỉ phép 3 - 4 tháng về nhà lấy vợ, làm nương... các thầy cô lên vận động đi học lại, có em đã là trụ cột gia đình có vợ có con; có em  đang tổ chức lễ cưới thì thầy cô lên vận động, gia đình tưởng thầy đến dự đám cưới học sinh, nên nhất quyết nhờ thầy đại diện phát biểu...

Những câu chuyện ấy về học sinh ở nơi đây giờ đã không còn, thay vào đó là những con số ấn tượng về sự học của thầy, trò nơi đây. Năm học 2010 - 2011, Trường duy trì 100% sỹ số, tỷ lệ tốt nghiệp tăng so năm học trước trên 50%, lần đầu tiên nhà trường có học sinh dân tộc Mông đạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh, 10 học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn thi đỗ các trường đại học trong nước. Nề nếp học tập đi vào quy củ, chẳng mấy khi thầy cô phải đi vận động học sinh bỏ học giữa chừng nữa.

Quyết tâm bám trụ

Cùng chúng tôi dạo quanh trường thầy Tuấn Anh say sưa giới thiệu về những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn, nằm nép mình bên sườn núi, đó là mái ấm hạnh phúc của các thầy cô. Nơi mà sau những giờ lên lớp luôn ngập tràn tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ, lời hát ru êm đềm của các cô giáo. Dẫu biết, gian khó, nhọc nhằn vẫn chưa thể hết nhưng với những điều làm được cũng đủ để mỗi người giáo viên nơi đèo cao heo hút thấy ấm lòng hơn; họ không so bì, tính toán, mà quyết tâm bám trụ nơi này.

Trong những mái nhà bình yên ấy, có những câu chuyện dung dị đời thường thật khó quên. Như: ông lên trông cháu. Hiện tại ở đây có 4 ông chiều nào cũng vậy bên ấm trà vừa bế cháu vừa đàm đạo. Hỏi ra mới biết, bà nhà các ông không thể đi vì đường sá xa xôi. Rồi như mối tình của thầy Dương Mạnh Quân và cô Hoàng Thị Huệ, yêu nhau từ ngày sinh viên học tại trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. 2 người ra trường cùng xin về đây công tác, quyết tâm ở lại nơi này dựng nhà, lập nghiệp... và cô con gái ra đời nay đã gần một tuổi. Họ tràn đầy niềm vui hạnh phúc, coi nơi đây như là quê hương thứ 2. Một ấn tượng thật khó quên đối với chúng tôi là khi vào thăm nhà và trò chuyện với thầy Nguyễn Văn Tập, quê ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Năm 2008, sau khi học xong khoa Văn, Trường ĐHSP Thái Nguyên, thầy xung phong lên Điện Biên và được phân về trường. Gắn bó với sự nghiệp giáo dục, mến mảnh đất nơi đây và thầy cũng đã yêu luôn cô sơn nữ người Thái, đẹp như bông hoa rừng. Tình yêu của thầy chẳng kém, gian nan so với việc đi vận động, dạy chữ học sinh. Cô Lường Thị Minh (nay là vợ thầy) là thợ may áo quần dân tộc. Dù xinh đẹp rực rỡ nổi tiếng trong vùng, cũng không tin tình yêu của thầy dành cho là thực. Trong thâm tâm cô sơn nữ ấy luôn nghĩ rằng, làm gì có thầy giáo đẹp trai, có bằng cấp và nhất là người Kinh lại lấy một cô gái dân tộc. Thầy tập kiên trì theo đuổi, thể hiện tấm lòng bằng cả việc mời cả lãnh đạo nhà trường xuống nhà làm chứng. Và rồi, cô sơn nữ cũng đã hiểu tấm lòng chân thành nên đồng ý nên duyên vợ chồng với người thầy giáo từ xuôi lên rừng. Giờ đây trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng thầy có thêm tiếng bi bô của cậu con trai 2 tuổi nên lúc nào cũng vui vầy ấm áp.

Nhiều thầy cô đã và đang xây dựng niềm hạnh phúc, mái ấm gia đình. Họ luôn tâm niệm rằng nơi đây đất hóa tâm hồn, sẽ vẫn có hoa thơm và quả  ngọt...
Tác giả bài viết : Kiên Cường

Nguồn tin: 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây