Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


Người gieo chữ ở Mường Nhé

Nhiều giáo viên vẫn chấp nhận gian nan đem con chữ đến cho học sinh miền núi

Nhiều giáo viên vẫn chấp nhận gian nan đem con chữ đến cho học sinh miền núi

Để đưa được con chữ tới tận những bản làng xa xôi của huyện miền núi Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là cả một kỳ công của các giáo viên trẻ

Có giáo viên sau hơn một tháng tới Mường Nhé đã bỏ về và không bao giờ quay trở lại nhưng vẫn có những giáo viên trẻ bám trụ nơi này như thể họ là người con đã sinh ra và lớn lên nơi đây.

Trèo đèo, lội suối đến lớp

Thầy Đồng Văn Cường là một trong những giáo viên đầu tiên có mặt tại Mường Nhé khi địa phương này bắt đầu có trường tiểu học. Cái ngày chàng thanh niên quê Bắc Giang đến với dân bản và lũ học trò người Mông, người Thái, Mường Nhé vẫn còn là huyện miền núi chưa phổ cập tiểu học. “Hơn chục năm trước, đi từ TP Điện Biên Phủ vào được đến đây cũng mất đến 3-4 ngày, trong đó riêng đi bộ đã mất gần 2 ngày. Phải lội qua bao nhiêu con suối, trèo qua bao nhiêu đèo mới đến được với học sinh của mình tôi cũng không thể nhớ hết” - thầy Cường nhớ lại.

Ngày đó, số giáo viên ở xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi người dân khắp các bản làng đều chỉ tập trung vào hai việc là làm nương và... đẻ, chứ khái niệm học vẫn còn xa lạ. Đến ngôi nhà bà con còn không giữ ổn định được một chỗ thì nói gì đến việc cho con đi học. Thời ấy, nhiều trưởng bản vẫn hỏi khó thầy giáo rằng: “Thầy bảo mấy đứa nhà mình phải đến lớp à. Ừ, vậy đi học thì có làm ra ngô, ra thóc không. Cái chữ tốt lắm nhưng bao nhiêu cái chữ thì bằng... một con trâu?”. Thầy Cường ví von: “Trước đây để vận động được một hộ người Mông đưa con em đến lớp thì cũng khó khăn như vượt qua một con suối mùa mưa lũ ở mảnh đất này”. Hồi đó, số giáo viên chỉ có trên 20 người, học sinh cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS vỏn vẹn chưa đến 300 em. Giờ đây, số học sinh đã tăng gấp 3 nhưng chỉ có 50 giáo viên bám trụ nơi này.

Sống cùng dân bản

Ngay sau khi tốt nghiệp CĐ Sư phạm Thái Nguyên, cô giáo Nguyễn Thị Lý (quê Hưng Yên) đã lập tức xung phong lên Mường Nhé, bỏ ngoài tai những lời can ngăn của gia đình. Cô Lý tâm sự: “Chọn nghề này có nghĩa là không phải chọn cho mình một nơi êm ấm. Miễn là được nhìn thấy lũ trẻ ê a học bài, đó là niềm hạnh phúc của em”. Vì thế khi trường đưa ra những địa chỉ đang thiếu giáo viên, cô Lý đã xung phong đến Mường Nhé ngay. Những ngày đầu, bàn chân chỉ quen đi ở những con đường đồng bằng, nay phải tập trèo đèo, lội suối nên đã sưng tấy lên. Dù vậy, cô giáo trẻ đã quyết định ở lại bản để làm quen tập tục của bà con vùng núi Tây Bắc.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Lý trong những ngày đầu nhận lớp là lũ trẻ cởi truồng và mặc duy nhất một manh áo mỏng bất kể mùa đông hay hè. Sống cùng dân bản, Lý học cách ăn, cách ở để được bà con chấp nhận như người trong nhà rồi mới bắt đầu thuyết phục họ đưa con em đến lớp. Lý đồng thời cũng đảm nhận nhiệm vụ tư vấn cho các ông bố, bà mẹ cách giữ vệ sinh và chăm sóc lũ trẻ. Nhiều em đi học nhưng vẫn phải địu em sau lưng để bố mẹ đi làm rẫy. Có khi đứa em tè ngay ra lớp, cô giáo lại phải làm nhiệm vụ của một người mẹ, tắm rửa cho hai chị em.

 Hạnh phúc của người thầy

Cô giáo Pờ Mì Ly, lớn lên ở mảnh đất Mường Nhé này nhưng cũng cảm thấy khâm phục những đồng nghiệp dưới xuôi. Cô giáo Nguyễn Thị Lý sau 2 năm đồng cam cộng khổ với dân bản và dạy cho nhiều đứa trẻ ở đây biết con chữ đã được dân bản coi như một người con sinh ra và lớn lên nơi đây. Tất cả đều gọi cô là Giàng Thị Lý, giống với họ của người Mông.
“Để gieo được những hạt giống tâm hồn và giúp con chữ nảy mầm ở mảnh đất này là cả một kỳ công nhưng được sống với lũ trẻ, được đóng góp một phần nhỏ bé cho tương lai của con em đồng bào đó là hạnh phúc của người giáo viên”- cô Lý nói.

Nguồn tin: Báo Người Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây