Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


Côi cút trong đói cơm rách áo

Phình Giàng - vùng đất được người địa phương gọi với hàm nghĩa mênh mông để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Còn nhớ lần đầu về Phình Giàng năm 2006 tôi đã bị cuốn hút bởi những tên bản chẳng có ở đâu, như: Sa Vua, Pa Cá, Huổi Dụa Và bây giờ, dẫu vào Phình Giàng nhiều đến độ thuộc lối quen đường song với tôi, Phình Giàng vẫn là mảnh đất để lại bao niềm day dứt, bởi trên vùng đất mênh mông ấy còn những trẻ nghèo côi cút, bơ vơ.
“Bố chết, em liếm lá dọc đường
Đó là cuộc sống thực tại của các em nhỏ mồ côi ở xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông. Trong tổng số 432 học sinh của Trường Tiểu học Phình Giàng, có 7 học sinh mồ côi không nơi nương tựa. Và chính hoàn cảnh của 7 em nhỏ đáng thương này đang làm nặng hơn nỗi lo cơm áo gạo tiền trong tâm trí những người dạy chữ ở nơi đây.
Đưa chúng tôi đến thăm cậu trò nghèo mồ côi mẹ ở bản Sa Vua C, cô chủ nhiệm lớp 3A1 Chu Minh Ngọc, cho biết: Giàng A Chu là học sinh may mắn nhất so với các bạn mồ côi cùng trang lứa. Mẹ mất khi Chu mới tròn 7 tháng, ông bố nghiện bỏ con mình đi theo con ma tuý chẳng biết giờ sống chết nơi nào. Môi hở thì... răng lạnh, mấy người bác họp bàn thống nhất dù đói khổ thế nào mỗi gia đình cũng phải cưu mang một đứa, chứ không thể để anh em Chu sống cảnh cầu bơ cầu bất. Chu ngoan, chịu khó nhưng nhát hơn bọn trẻ khác; không biết có phải vì nó mặc cảm với hoàn cảnh hay không, nhưng tôi nghĩ, trẻ con mà ý thức được như Chu thì hiếm lắm! - người bác dâu và cũng là người cưu mang Chu gần chục năm qua vẻ tự hào khi nói về Chu. Tưởng em sẽ cười tươi khi được nghe bác khen, nhưng Chu vẫn lặng thinh với ánh mắt buồn vô tận.
Giàng A Chu (thứ 2 từ phải sang) bên những người bạn. Ảnh: L.L
Tạm biệt bác cháu Giàng A Chu, chúng tôi quay về bản Pa Cá khi bóng chiều đổ dài trên con dốc hoang vu. Dừng chân trước ngôi nhà thưng ván gỗ, mái ngói prô khá chắc chắn, cô giáo Tòng Mai Linh thoáng chút ngập ngừng. Đoạn cô mạnh bước về phía trước và đẩy cửa bước vào. Khác với vẻ ngoài, trong nhà trống không và không cả bóng người. Như đoán được điều chúng tôi muốn hỏi, cô Linh chủ động kể về hoàn cảnh của anh em Vàng Thị Vừ.
Bố mất, còn người mẹ không biết nghĩ thế nào mà đành tâm bỏ lại 3 đứa con để đi lấy chồng? Từ bấy, đã hơn 3 năm mẹ vui với hạnh phúc mới bao nhiêu, thì 3 anh em Vừ sống bơ vơ, lay lắt bấy nhiêu. Là con gái, lại là út nên Vừ được hai anh ưu tiên cho đi học 3 buổi/tuần; còn hai anh của Vừ học THCS nhưng chỉ theo học 2 buổi/tuần vì như thế mới có thời gian đi làm nương. Vừa học vừa lo kiếm sống nên cái chữ với anh em Vừ cũng khi có khi không. Nhất là khi tháng ba ngày tám, bụng đói mà khô hạn kéo dài, anh em Vừ chỉ chăm chăm lên rừng đào củ mài củ nâu. Bởi vậy mà nhiều khi những giáo viên chủ nhiệm như cô giáo Linh đi đi lại lại đến mòn cả lối mà không gặp anh em Vừ. Hỏi hàng xóm, người ta bảo, tìm chúng thì lên nương; giờ lán nương là nhà của chúng rồi mà!
Nói thêm về các em khác: Lò Văn Ngoan, Vàng Thị Pà, Giàng A Khó, Lò Văn Thực, Vàng A Dế, cô giáo Tòng Mai Linh như không nén được nỗi buồn. Cô không hiểu vì sao nơi thâm sơn cùng cốc này lại có những người mẹ đành lòng bỏ con để đi bước nữa? Liệu có lúc nào họ chạnh lòng nhớ về bản cũ, nơi có những đứa con thơ dại của mình đang hàng ngày côi cút trong đói cơm rách áo?
Thương nhiều mà chẳng biết làm gì...
Đó là tâm trạng chung của các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Phình Giàng khi ngày ngày chứng kiến cảnh học sinh nhem nhuốc, đói khổ vì thiếu bàn tay mẹ cha. Trong căn phòng chật chội của Ban Giám hiệu, thầy hiệu phó Trần Văn Hiệp ngậm ngùi kể về hoàn cảnh của 7 em nhỏ mồ côi. Trong đó 1 em mồ côi bố, 6 em mồ côi mẹ, nhưng hiện tại đều chung cảnh côi cút, bơ vơ. Vì em mồ côi mẹ thì bố lại nghiện ma tuý đi đâu cả năm trời chẳng ai biết; các em mồ côi bố lại bị mẹ bỏ đi lấy chồng. Miếng ăn, cái mặc khi có khi không bởi dù thương lắm bà con dân bản cũng chẳng có mà cho mãi. Với thầy cô giáo nhà trường cố lắm cũng chỉ thêm cho các em tập vở, cây bút và đôi khi là nắm cơm để các em lót dạ lúc giáp mùa...
Nói về nguyện vọng của tập thể giáo viên nhà trường, thầy Trần Văn Hiệp cho biết: Mong muốn thì nhiều nhưng lực bất tòng tâm. Bởi nói gì đến những ước mơ rộng dài khác, khi hiện tại thầy cô giáo ở đây chỉ mong sao có nguồn để 7 học trò mồ côi được hai bữa cơm mỗi ngày còn chưa biết cách nào làm nổi? Thương nhất là những ngày đông lạnh giá, độc manh áo phong phanh các em đi chân trần đến lớp trong khi bụng đói cồn cào.
Nhắc điều này, cô giáo Tòng Mai Linh kể lại chuyện của chị em Vàng Thị Pà, lớp 3 điểm bản Pá Khẩu, làm các cô đau lòng mãi. Chuyện xảy ra vào ngày đông cuối năm ngoái. Hôm ấy, Vàng Thị Pà đến lớp muộn hơn mọi ngày, ngồi học mà ánh mắt em mỗi lúc một dại đi... Thấy lạ, cô chủ nhiệm hỏi Pà có chuyện gì nhưng em chỉ lắc đầu. Bỗng nhiên từ lớp bên, em trai Vàng A Dế chạy sang ôm chị Pà khóc như bị đánh. Đến lúc này Pà mới thưa với cô: “Hai ngày rồi chúng em chưa được ăn gì, đói quá Dế đòi về đi đào sắn cô ạ!... Vẫn biết các em không được ngày hai bữa ấm bụng như bạn bè, nhưng thầy cô ở trường cũng chẳng ngờ học sinh của mình lại đói đến thế. Hai ngày các em không được một bữa cơm thì nói gì đến duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng học tập?!
Được biết, để giúp các em nhỏ mồ côi ở Trường Tiểu học Phình Giàng bớt khó khăn, tập thể giáo viên nhà trường đã bàn cách đưa 7 em về nuôi ở trường trung tâm, nhưng để làm được việc đó, cần số tiền 2,8 triệu đồng mỗi tháng. Lương giáo viên tiểu học chẳng đáng bao nhiêu, trong khi bản thân các thầy cô cũng còn nặng gánh gia đình thì ban giám hiệu không thể làm cái việc hàng tháng đè ra thu tiền ủng hộ học sinh. Giá như có nhà hảo tâm nào đó chung tay giúp đỡ, thì các thầy cô sẵn lòng cùng các em trồng rau, nuôi gà phụ vào cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng hiện thời, đó đang là niềm mong mỏi của tập thể giáo viên và nhất là của 7 đứa trẻ côi cút nơi vùng sâu Phình Giàng mênh mông gian khó...
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây