Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển giáo dục toàn diện

Từ năm 2008 đến nay, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có những chủ trương cụ thể về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và dạy học. Trong năm học 2011-2012, Sở Giáo dục - Đào tạo đặc biệt chú trọng việc xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT năm học trong toàn ngành, xác định rõ thực trạng về ứng dụng CNTT, các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Sở đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Viettel Điện Biên tiếp tục phát triển, nâng cấp hoàn thiện mạng giáo dục, mục tiêu 100% cơ sở giáo dục kết nối mạng Internet dưới nhiều hình thức (cáp quang, ADSL, Leased line, 3G…). Giáo viên các cấp học được tập huấn nhân rộng kỹ thuật thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử - elearning. Ngành cũng phát động phong trào và tổ chức cuộc thi thiết kế hồ sơ, bài giảng điện tử-elearning, giờ dạy có ứng dụng công nghệ thông tin. Duy trì ứng dụng các phần mềm: quản lý học sinh trường THCS, THPT, các phần mềm quản lý phổ cập THCS, phổ cập tiểu học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS, EMIS, PMIS, VMIS, phần mềm kế toán đạt hiệu quả cao. Duy trì mạng quản lý hồ sơ công việc, xây dựng kênh thông tin quản lý hai chiều giữa ngành với các đơn vị, các cơ sở giáo dục. Tăng cường đầu tư xây dựng các phòng học có ứng dụng CNTT (phòng có máy chiếu, máy tính, phần mềm, thiết bị CNTT phục vụ dạy học).
 
Giờ học ứng dụng CNTT của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Điện Biên.
Nhờ sự quan tâm và đầu tư hợp lý của Sở Giáo dục - Đào tạo, kết thúc học kỳ I năm học 2011 - 2012 cho kết quả đáng mừng về mức độ phát triển CNTT trong ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT tăng lên nhanh chóng ở tất cả các cơ sở giáo dục, trình độ cán bộ, giáo viên không ngừng được cải thiện. Nhận thức của cán bộ, giáo viên về tầm quan trọng của CNTT trong giáo dục được nâng lên một cách rõ rệt. Hiện trong tổng số 480 trường, cơ sở giáo dục trong tỉnh, có 445 trường kết nối internet, chiếm 92,7%. Số lượng máy tính do cán bộ, giáo viên tự trang bị trong toàn ngành đạt mức 8.051 máy tính, chiếm 62,17%. Đây là nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng CNTT cũng như đổi mới phương pháp dạy học.
Toàn ngành có 5.858 máy vi tính sử dụng cho công tác quản lý và dạy học, trong đó cấp học mầm non có 924 máy tính chiếm 15,78%, với 435 máy tính dạy học tập trung chủ yếu ở các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Cấp tiểu học có 1.366 máy tính, chiếm 23,33%, với 654 máy tính dùng để dạy học (trung bình 91 học sinh/máy). Cấp THCS 1.757 máy tính, chiếm 30,01%, có 1.181 máy dùng cho dạy học (trung bình 31 học sinh/máy). Cấp THPT và GDTX là 1.807 máy, chiếm 30,87%, với 1.510 máy dùng để dạy học (trung bình 11 học sinh/máy).
Trình độ tin học của cán bộ, giáo viên không ngừng được cải thiện. Trong tổng số 12.950 cán bộ giáo viên có 8.966 cán bộ giáo viên có trình độ tin học ứng dụng A, B, C chiếm 69,24%. Tuy nhiên số lượng cán bộ giáo viên có trình độ chuyên trách về CNTT ở cơ sở (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) vẫn còn hạn chế. Toàn ngành có 337 cán bộ giáo viên có bằng về CNTT, trong đó đại học 93, cao đẳng 195, trung cấp chuyên nghiệp 49. Các cơ sở giáo dục có 1.108 máy chiếu các loại, có 606 phòng học có máy chiếu cố định. Có 562 đường kết nối internet các loại, trong đó kết nối ADSL chiếm 48,6%.
Trong những năm tiếp theo, Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án đưa tin học vào giảng dạy trong các trường học, đặc biệt là cấp tiểu học, THCS. Nâng cấp hệ thống phòng máy, máy tính và thiết bị đồng bộ sẽ được quan tâm đầu tư bổ sung góp phần quan trọng cho sự phát triển của CNTT, đổi mới về phương pháp dạy học và phát triển giáo dục toàn diện.
Nguồn tin: Kiên Cường
http://baodienbienphu.info.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây