Trường THPT Chà Cang

http://thptchacang.edu.vn


(THPTCC) Thư gửi các em học sinh!

Mối quan hệ giữa thầy và trò, cô và trò cũng có một phần nào đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em học sinh. Bởi lẽ nếu mối quan hệ đó tốt thì sẽ tạo được động lực niềm tin sự hứng thú và yêu thích môn học đó ở các em học sinh. Và ngược lại nếu mối quan hệ đó không tốt thì sẽ tạo tâm lý căng thẳng chán nản ở các em học sinh. Dẫn đến kết quả học tập không cao. Vậy làm thế nào để mối quan hệ đó luôn tốt đẹp, thầy cô và học trò luôn được xích lại gần nhau hơn?
          Không phải một giáo viên dạy Văn nên để viết được một bài viết hay đối với cô là môt điều không dễ chút nào. Vì vậy cô chọn cách viết một bức thư ngắn để dễ dàng tâm sự với các em hơn.

          Với kinh nghiệm và suy nghĩ của một giáo viên THPT thì cô có một vài điều sau muốn tâm sự với các em thông qua bức thư này. Vậy các em hãy cùng đọc và chia sẻ nhé!
          Điều thứ nhất trong giờ học các em hãy các giơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài hoặc đặt những câu hỏi!

          Phần lớn các em học sinh THPT khác biệt hoàn toàn khi học cấp THCS.  Nếu như ở các lớp dưới trong giờ học khi biết câu trả lời hay đáp án cho các câu hỏi của thầy cô giáo đưa ra thì hầu hết các em đều hăng hái dơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài. Thậm chí còn “tranh nhau” lên bảng.  Thế nhưng lên THPT thì tình thế trở nên đảo ngược. Việc bị thầy cô giáo gọi lên bảng giống như một điều gì đó rất nặng nề đối với các em học sinh. Còn nếu thầy cô giáo không gọi học sinh lên bảng hoặc gọi đứng lên trả lời thì cả tiết học đó giống như một buổi dự giờ đối với một số các em học sinh. Điều đó gây tâm lý ức chế đối với các thầy cô giáo và ảnh hưởng không tốt đến bài giảng.

          Các em ạ! Hãy thử nghĩ xem việc các em hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài sẽ gợi cho thầy cô nhiều hứng thú để giảng bài hơn. Tất nhiên tiết học cũng sôi nổi hơn. Thầy cô sẽ biết mặt, nhớ tên của các em. Và một điều không thể phủ nhận là các em sẽ nhận được nhiều cảm tình hơn từ phía thầy cô giáo.

          Điều thứ hai mà cô muốn nói đến ở đây là các em phải có thái độ nghiêm túc trong giờ học.

          Với tâm lý thích học môn này ghét học môn kia của một số em học sinh.  Nên trong giờ học môn này vẫn tồn tại hiện tượng học sinh học bài hay chép bài của môn khác.  Hoặc ngồi trong lớp không tập trung lắng nghe thầy cô giáo giảng bài và điều này khiến cho các thầy cô giáo cảm thấy không được tôn trọng. Vì vậy tốt nhất các em hãy tập trung lắng nghe bài giảng, không được làm việc riêng trong giờ học.  Hãy chứng tỏ cho các thầy cô giáo thấy các em thật sự hứng thú với môn học này và thái độ nghiêm túc tôn trọng thầy cô giáo dạy môn đó bằng việc các em hãy chuẩn bị thật tốt bài tập ở nhà,học bài trước khi tới lớp.  Trong giờ học hãy thật sự tập trung chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài.  Nếu làm được điều này thì kiến thức môn học đó của các em sẽ trở nên vững vàng hơn và đó cũng là điều khiến cho các thầy cô chú ý đến các em hơn và yêu quý các em hơn. Đó là điều mà hầu hết các em học sinh đều mong muốn phải không nào?

          Còn một điều nho nhỏ mà cô muốn tâm sự vói các em là: Các em hãy nhìn  vào điểm tốt của các thầy cô!

          Đừng vì môt hai lần không học bài bị điểm kém mà từ đó ghét thầy cô của mình rồi đem ra bàn luận “nói xấu” thầy cô các em ạ.  Thay vì như thế hãy đặt câu hỏi là lỗi do ai? Nếu các em không học bài mà thầy cô vẫn cho điểm tốt thì sẽ không còn sự công bằng nữa.

          Không nên chỉ trích, lên án về cách dạy của thầy cô giáo. Thay vào đó chỗ nào chưa hiểu các có thể hỏi trực tiếp thầy cô. Đừng sợ rằng hỏi bài thầy cô chứng tỏ mình là người học kém, và thầy cô đánh giá mình lười học, kiến thức chưa vững. Ngược lại, chính các thầy cô lại rất muốn được học trò hỏi bài từ mình. Thực ra thì chính nhờ những câu hỏi của các em mà thầy cô cũng nắm bắt thêm được nhiều điều; và các thầy cô cũng biết được học sinh của mình hiểu bài đến đâu để từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp hơn đối với từng đối tượng học sinh.

          Các em hãy có cái nhìn cởi mở hơn. Nhìn vào những điểm tốt của thầy cô để đánh giá. Hãy đặt cho mình câu hỏi tại sao thầy cô giáo lại muốn mình phải học? Đó có phải là điều tốt cho bản thân mình hay không? Hãy tinh tế quan tâm thầy cô hơn một chút nữa thôi các em sẽ hiểu đươc tâm trạng của thầy cô và điều này khiến cho khoảng cách giữa thầy, cô và trò không cò là một khoảng cách xa vời vợi nữa mà trở nên gần gũi thân thiết.

          Hãy dành một chút thời gian để tâm sự với các thầy cô về những khó khăn mà các em gặp phải trong cuộc sống. Những lúc đó có thể các thầy cô sẽ cho em được lời khuyên có ích giúp các em phần nào giải quyết được khó khăn đó. Vì dù sao các thầy cô cũng là người nhiều tuổi hơn có kinh nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống phải không nào?

          Đã có rất nhiều thầy cô giáo đã trở thành người bạn, người anh người chị của học sinh. Giúp các em giải tỏa nhiều khúc mắc trong tình cảm học trò cũng như khó khăn trong cuộc sống. Và điều đó cũng có một phần nào giúp các em có thái độ tích cực hơn đối với môn học, có động lực học tốt hơn.

          Cuối cùng cô muốn gửi một điều mong muốn tới tất cả các em đó là hãy cố gắng học thật tốt, làm hết sức những điều mình có thể để trở thành một học trò xuất sắc trong mắt các thầy cô của mình các em nhé!!!

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận - GV Toán trường THPT Chà Cang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây