Điểm tin nổi bật về thông tin và truyền thông tuần từ 13/12 đến 19/12/2010

Thứ sáu - 24/12/2010 00:56

DIC-Thị trường lịch blốc, vinh danh Lãnh đạo an ninh thông tin (CSO) xuất sắc nhất Đông Nam Á, lo ngại về chất lượng dịch vụ điện thoại di động, việc thuê bao điện thoại di động bị lừa đảo tăng, nhộn nhạo đấu giá trên mạng, 100% cơ sở giáo dục đã kết nối Internet là những thông tin nổi bật tuần cận năm mới. Cuối năm cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những sự kiện, nhân vật… của một năm. Tuần này, báo chí đồng loạt đưa tin bình chọn những sự kiện, sản phẩm nổi bật nhất năm qua cũng như dự báo những xu hướng trong năm 2011 tới.

Điểm tin nổi bật về thông tin và truyền thông tuần từ 13/12 đến 19/12/2010

Thị trường lịch blốc
Báo Pháp luật 14/12/2010 đưa tin: Người tiêu dùng hiện đang phải mua lịch blốc cao hơn giá bìa khoảng 15%, thay vì được chiết khấu trực tiếp từ 20% đến 30% trên giá bìa như mọi năm. Bên cạnh đó, mức giá chung năm nay của thị trường lịch cao hơn từ 15% đến 30% so với năm 2010. Theo đại diện một số doanh nghiệp (DN) sản xuất lịch, nguyên nhân giá cao là do chi phí giá cả đầu vào tăng nhẹ nhưng điều đáng nói là mức giá này do Hội Xuất bản và các nhà xuất bản (NXB) ấn định ngay từ đầu mùa lịch. Cụ thể, giá lịch blốc nhỏ pơluya (loại thường) là 12.000 đồng, blốc trung (loại in màu) là 26.000 đồng, blốc đại là 50.000 đồng... Mức này đã tăng khoảng 30% so với giá bìa năm 2010. Các loại blốc đại và cực đại, siêu đại cũng có mức tăng cao hơn năm 2010.
Theo một số DN, thị trường lịch hiện nay có dấu hiệu khan hàng do các DN không xin được giấy phép liên kết xuất bản. Năm 2010, TP.HCM có chín DN sản xuất với khoảng 12 triệu blốc các loại. Thế nhưng năm nay chỉ có bốn DN xin được quota với số lượng khá hạn chế so với nhu cầu sản xuất thực sự của DN. Phần còn lại, do các NXB phía Bắc tham gia nhóm sản xuất và phân phối thông qua Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam.

Vinh danh 14 lãnh đạo an ninh thông tin (CSO) xuất sắc nhất Đông Nam Á vào tối ngày 9/12/2010
Trong bối cảnh an toàn, an ninh mạng gặp nhiều biến cố thời gian vừa qua, sự kiện 14 lãnh đạo an ninh thông tin (CSO) xuất sắc nhất Đông Nam Á đã chính thức được vinh danh vào tối ngày 9/12/2010 trở nên nổi bật. Danh sách cho Sở TT&TT TPHCM, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG công bố. Trong 14 CSO được bình chọn và đạt giải thưởng có 5 ứng viên đến từ nước ngoài, 9 ứng viên Việt Nam. Đây là lần thứ 2 lễ trao giải CSO được tổ chức.

100% cơ sở giáo dục đã kết nối internet
100% cơ sở giáo dục của ngành giáo dục đã được kết nối mạng Internet theo Chương trình kết nối mạng giáo dục và Ký kết triển khai các ứng dụng tin học trong nhà trường do Bộ Giáo dục Đào tạo và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện.
Ngày 18-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tổng kết Chương trình này. Theo đó từ tháng 9-2008 đến cuối tháng 7-2010, Viettel đã hoàn thành 100% Chương trình kết nối mạng Internet cho 29.559 cơ sở giáo dục của ngành giáo dục trên toàn quốc. Ước tính, hơn 25 triệu thầy cô, học sinh và sinh viên của các trường, cơ sở giáo dục của cả nước có điều kiện tiếp cận với Internet phục vụ trong công tác quản lý, giảng dậy, học tập và tìm kiếm tài liệu, thông tin.
Trong 29.559 trường được kết nối theo chương trình, Viettel đã đảm bảo 21.286 đơn vị (tương đương với 72% số cơ sở) được kết nối Internet băng rộng thông qua công nghệ Internet Leased line, FTTH, ADSL và 3G.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Nguồn Internet

Lo ngại về chất lượng dịch vụ điện thoại di động
Báo Lao động đưa tin: Liên tiếp trong thời gian gần đây, hầu hết các mạng viễn thông di động đều xảy ra hiện tượng sóng chập chờn, rớt sóng cuộc gọi, thậm chí là đã bắt đầu có dấu hiệu của hiện tượng nghẽn mạng, không kết nối mạng... Số đông khách hàng và chuyên gia viễn thông lo ngại và đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ chất lượng mạng dịp cuối năm và vào dịp tết năm nay.
Theo phản ánh của số đông khách hàng Mobifone, ngày 12/12/2010 tình trạng nghẽn mạng không chỉ diễn ra tại TPHCM mà còn xảy ra cục bộ ở nhiều địa phương khác tại khu vực Trung Bộ. Đối với các mạng khác, dù chưa có lời giải thích nhưng nguyên nhân đều được xác định là do chất lượng mạng và hệ thống đã bắt đầu có vấn đề. Nếu các mạng di động không chuẩn bị hạ tầng tốt - nhất là các mạng nhỏ - thì việc nghẽn mạng rất khó tránh khỏi.

Lừa đảo trên ĐTDĐ ngày càng phổ biến
Báo chí đã đưa tin nhiều về hình thức lừa đảo trên điện thoại di động dùng “mồi nhử” là khuyến mãi, trúng thưởng. Hiện nay, thêm một hình thức lừa đảo nữa hoành hành là lừa đảo bằng ứng dụng.
Phần mềm lừa đảo tin nhắn trên điện thoại hiện nay nhiều như... nấm mọc sau mưa. Bất kỳ ai cũng có một vài phần mềm dạng này trong máy mà không biết, thậm chí một số ứng dụng được người dùng tin tưởng là “sạch” như các trình diệt virus cũng có khả năng “chôm” tiền thông qua việc “bắn” tin nhắn từ điện thoại đến các số máy tổng đài do kẻ lừa đảo đặt sẵn. Trong số các phần mềm lừa đảo hiện nay, nhiều nhất là các game, các tổ chức lừa đảo chỉ việc lấy mã nguồn, chỉnh lại tên và thay đổi một vài yếu tố màu sắc là có một game mới, ai lỡ cài game này vào điện thoại thì coi như “xong”.
Một lời khuyên để tránh mất tiền là “bỏ qua mọi tin nhắn của người lạ và tránh nhắn tin theo các cú pháp đã được kẻ lừa đảo viết trước”.

Loạn đấu giá trên mạng
Trên mạng hiện nay có rất nhiều website đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, chất lượng đấu giá chưa cao, vẫn nhan nhản các hiện tượng “mua đểu, bán đểu”. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải xác định được danh tính của người đấu giá, và khi ấy, bắt buộc website chủ quản phải có những bước sàng lọc thông tin cẩn thận hơn. Nhưng, việc này có khả năng đe dọa đến lượng thành viên tham gia trang web đó và đây là điều mà các tổ chức kinh doanh không muốn xảy ra.
Một số ý kiến trên các diễn đàn công nghệ cho rằng nên sử dụng thông tin chứng minh nhân dân và tài khoản ngân hàng để làm căn cứ giao dịch. Tuy nhiên, vấn đề này cần một sự hợp tác sâu rộng hơn rất nhiều so với quy mô của một website đấu giá.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Nguồn Internet

Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh tiếp tục đi đầu trong cuộc chiến chống game online độc hại
Tiếp theo những thông tin tuần trước về những “biện pháp mạnh” mà Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh tiến hành 4 tháng qua trên địa bàn thành phố để ngăn chặn game online độc hại, mới đây, Sở vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trên địa bàn thành phố gửi về Sở danh sách các đại lý Internet có khoảng cách đến trường học dưới 200 m của từng doanh nghiệp trước ngày 12/12/2010 để Sở yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến triển khai các biện pháp kỹ thuật ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cho các đại lý Internet này.
Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành kiểm tra 601 đại lý Internet, trong đó xử phạt 17 đại lý Internet vi phạm kinh doanh trò chơi trực tuyến quá giờ quy định; đình chỉ kinh doanh đối với 16 đại lý Internet cách trường học dưới 200 m. Về biện pháp quản lý thời gian chơi trò chơi trực tuyến, đến nay các doanh nghiệp phát hành trò chơi đã ngưng cung cấp trò chơi trực tuyến cho tất cả các đại lý từ 10 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Việc quản lý thời gian cung cấp trò chơi của các đại lý Internet đã được thực hiện từ gốc. Các đại lý chỉ có thể cung cấp 14/24 giờ hàng ngày vào ban ngày, giảm thời gian chơi của trẻ em, đặc biệt vào ban đêm.
Báo chí nhận định: Việc Thành phố triển khai nhiều biện pháp quản lý trò chơi trực tuyến, đạt kết quả rất tích cực đã được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Ra mắt ứng dụng CNTT trong quản l‎ý thuế thu nhập
Tính đến hết tháng 11/2010, ngành thuế đã cấp được hơn 8 triệu mã số thuế mới và thu thập được gần 223 nghìn tờ khai dữ liệu quyết toán thuế thông qua ứng dụng CNTT trong quản lý thuế thu nhập cá nhân. Được biết, đây là một trong những dự án CNTT trọng điểm của quốc gia. Như vậy, đến nay tổng số mã số thuế cá nhân được cấp đã lên tới 12 triệu. Ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên nền tảng giải pháp tài chính SAP - mô hình này đã được triển khai hiệu quả cho nhiều hệ thống  trên thế giới.

Sản xuất màn hình iPhone, iPad tại Việt Nam
Ngày 12.12, Tập đoàn Wintek (Đài Loan) đã ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) để lập nhà máy sản xuất màn hình cảm ứng công nghệ cao cho loại điện thoại iPhone và iPad. Wintek là một trong hai nhà sản xuất trên thế giới sản xuất màn hình cảm ứng cho iPad. Sản phẩm này được đánh giá là công nghệ cao nhất về màn hình, thuộc danh mục được nhiều nước khuyến khích, mời gọi đầu tư.
Giai đoạn 1, Wintek dự kiến đầu tư khoảng 100 triệu USD, sau đó sẽ mở rộng quy mô, thu hút khoảng 30 nghìn lao động.

Beeline, Đông Dương Telecom dùng chung đầu số 099
Hai nhà cung cấp dịch vụ di động Gtel (đơn vị quản lý mạng di động Beeline) và Đông Dương Telecom đã được Bộ TT&TT cho phép sử dụng chung đầu số 099.
Trong đó, Gtel được khai thác dải số 0996xxxxxx, còn Đông Dương Telecom được khai thác hai dải số đẹp 0998xxxxxx và 0999xxxxxx. Trước kia, 099 là đầu số được Bộ TT&TT cấp cho tập đoàn VNPT để cung cấp dịch vụ vệ tinh trên biển VSAT. Nhưng do VNPT không sử dụng hết đầu số này nên Bộ TT&TT đã cho phép hai nhà mạng Beeline và Đông Dương Telecom sử dụng chung.
Đến nay, 7 nhà mạng di động ở Việt Nam đã đưa vào khai thác 26 đầu số, trong đó Viettel chiếm nhiều nhất với 8 đầu số

Ứng dụng phần mềm mở
Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chuyển đổi và ứng dụng phần mềm nguồn mở là thiếu cơ chế tài chính. Tại mỗi địa phương, nguồn vốn để thúc đẩy phần mềm mã nguồn mở là 1,2 tỷ đồng trong 4 năm (từ 2009 - 2012), tương đương mỗi năm chỉ có 300 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp trước mắt, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, bằng cách trong các chương trình mua sắm Chính phủ về công nghệ thông tin, nên dành riêng một phần cho mã nguồn mở. Như thế sẽ kích thích và tạo động lực để cộng động doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các ứng dụng phần mềm.

Cuối năm là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những sự kiện, nhân vật… của một năm. Tuần này, báo chí đồng loạt đưa tin bình chọn những sự kiện nổi bật nhất năm qua cũng như dự báo những xu hướng trong năm 2011 tới

Những thiết bị "đại thắng" của năm 2010
Apple iPad, Mẫu dế Droid X, Windows 7, thế hệ mạng siêu nhanh mới nhất 4G, phim 3D Avatar, Google Voice, game chiến thuật thời gian thực StarCraft II, iPhone 4, Phiên bản mới nhất của hệ điều hành di động nguồn mở Android - 2.2 (hay còn có tên khác là Froyo) được bình chọn là những kẻ chiến thắng lừng lẫy của năm 2010. Tất nhiên, một số sản phẩm đã đại thắng nhờ vào chiến dịch marketing rầm rộ, có phần thổi phồng, chứ chưa phải là thiết bị có khả năng thay đổi cuộc sống một cách kỳ diệu. Song không thể phủ nhận rằng đó là những điểm sáng tươi tắn trong bức tranh công nghệ của 12 tháng qua.

10 cái nhất trong thế giới di động 2010
Nhiều lời đồn đại nhất: Điện thoại PSP
Game di động phổ biến nhất: Angry Birds của Rovio
“Dế” thông minh bán chạy nhất: iPhone 4 của Apple
Chiếc điện thoại “thọ” ít nhất: Microsoft Kin
Lỗi thiết bị “nổi” nhất: Ăng-ten của iPhone 4
Bị cấm đoán nhiều nhất: Điện thoại BlackBerry
Hệ điều hành di động hứa hẹn nhất: Windows Phone 7 của Microsoft
Hệ điều hành gây tranh cãi nhất: Android của Google
Công nghệ được chờ đợi nhất: Giao tiếp phạm vi gần (NFC)
Tính năng được chờ đợi nhất: Điện thoại 3D

Những sai lầm công nghệ lớn nhất năm 2010
- Google Buzz
Google Buzz là màn lấn sân của Google vào trong lĩnh vực mạng xã hội/tiểu blog nhưng không mang mang lại kết quả như những gì hãng mong đợi.
- Apple Ping
Sai lầm lớn nhất của mạng xã hội chuyên về âm nhạc - Ping của Apple là vì chúng chỉ có thể truy cập thông qua iTunes hay một ứng dụng của hệ điều hành iOS. Điều này gây rắc rối cho người sử dụng nên đã gặp thất bại.
- Google Wave
Google đã phải “khai tử” ứng dụng này chỉ sau chưa đầy 3 tháng chính thức tung ra thị trường.
- Chính sách riêng tư của Facebook
Facebook tiếp tục lớn mạnh nhưng chính sách riêng tư trên mạng xã hội này luôn là tiêu điểm cho mọi người chỉ trích và chưa năm nào được nhắc tới nhiều như năm nay.
- Sai lầm “chết người” của hãng bảo mật McAfee
Bản cập nhật phần mềm tồi tệ của McAfee chứa virus máy tính là điều đáng hổ thẹn đối với hãng bảo mật này hồi tháng 4 vừa qua. Chúng gây tê liệt hàng nghìn máy tính Windows XP của doanh nghiệp trên toàn thế giới.
- Palm Pre và WebOS
Mặc dù kỳ vọng nhiều song sản phẩm của HP đã chịu số phận Hãng phân tích Gartner đã không đưa hệ điều hành WebOS của Pre vào trong danh mục hệ điều hành khi tổng kết thị phần smartphone
- Máy tính bảng HP Slate
- Máy tính bảng Android
- Điện thoại Google Nexus one
- Ăng ten của iPhone 4
- iPhone 4 màu trắng
- BlackBerry Torch
- Microsoft Kin

10 vấn đề công nghệ sẽ “nóng" trong năm 2011
 Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Nguồn Internet 

Đó là công nghệ 3D được dự báo sẽ vươn lên đỉnh cao mới. Cuộc chiến máy tính bảng khốc liệt hơn, sự xuất hiện của hệ điều hành Chrome OS trên các sản phẩm công nghệ và lưu trữ trực tuyến. Các dịch vụ định vị sẽ phát triển và đóng một phần quan trọng trong cuộc sống chúng ta. công nghệ tương tác thời gian thực sẽ tiếp tục tiến tới trở thành công nghệ hàng ngày. Màn hình tablet sắc nét hơn. tất cả điện thoại smartphone, các ứng dụng lưu trữ trực tuyến và tablet 3G sẽ kết nối dễ dàng với các mạng di động cùng tốc độ siêu nhanh, siêu ổn định cũng như truy cập Internet tốc độ cao.
Tuy nhiên, người dùng sẽ phải lựa chọn giữa việc truy cập đắt đỏ hoặc nghẽn mạng vì quá tải. Thanh toán bằng điện thoại di động trở nên phổ biến hơn. hàng loạt các thiết bị sử dụng mực in điện tử mang lại cho người sử dụng những trải nghiệm tuyệt vời.

Những hiểm hoạ bảo mật đáng sợ nhất của năm 2011
2011 sẽ tiếp tục là một năm nóng bỏng của cuộc chạy đua trong thế mèo đuổi chuột giữa giới bảo mật với hacker và tội phạm mạng. Theo cảnh báo của hãng bảo mật danh tiếng Symantec, hacker sẽ tấn công nhiều hơn vào các hạ tầng quan trọng, lỗ hổng zero-day ngày càng phổ biến và các cuộc tấn công với động cơ chính trị sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.
1. Hacker sẽ tấn công các hạ tầng quan trọng, và trong khi các nhà cung cấp dịch vụ phản ứng nhanh nhạy thì khối chính phủ lại tỏ ra chậm chạp
2. Lỗ hổng zero-day sẽ thông dụng hơn bởi các mối đe dọa tấn công có chủ đích sẽ tăng cả về số lượng lẫn tác hại
3. Việc sử dụng thiết bị di động tăng mạnh đã xóa mờ ranh giới giữa mục đích sử dụng cho cá nhân và công việc, và điều này làm nảy sinh nhu cầu về các mô hình bảo mật CNTT mới.
4. Sẽ xuất hiện những cuộc tấn công mang động cơ chính trị

Điện thoại siêu rẻ sẽ đua nhau trình làng
Một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường ABI Research cho thấy, doanh số bán điện thoại di động trên toàn thế giới đang bắt đầu hồi phục sau suy thoái kinh tế. Những vùng kinh tế đang nổi sẽ có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với dòng điện thoại bình dân này.
Số lượng các loại điện thoại di động siêu rẻ được bán ra thị trường sẽ tăng nhanh lên hơn 360 triệu chiếc vào năm 2015, tương ứng với tốc độ tăng trưởng từ năm 2010-2015 là 22%. Trong khi đó, số lượng điện thoại giá rẻ sẽ chỉ đạt con số 249 triệu chiếc vào cùng thời điểm trên.

Nguồn tin: dic.gov.vn

 Tags:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VĂN BẢN MỚI NHẤT
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách
6 tháng cuối năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân sách
quý IV năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố công khai dự toán chi ngân sách năm 2024
của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố công khai điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2023 của trường THPT Chà Cang
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố công khai bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2023 của trường THPT Chà Cang
Hoạt động nhà trường
Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh hoạt động nhà trường
1anhhoithi.jpg 1266659120-nv.jpg 1266661209-nv.gif 1268850604-nv.jpg 1269273502-nv.jpg
Có thể bạn quan tâm
Quản trị thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay11,541
  • Tháng hiện tại216,424
  • Tổng lượt truy cập14,713,830
TRƯỜNG THPT CHÀ CANG
Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Website đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây